Cảm nhận về giọng Hà Nội xưa và nay

Cảm nhận về giọng Hà Nội xưa và nay

GIỌNG HÀ NỘI (Người viết: Nguyễn Chí Dũng)

Hồi đang huấn luyện tân binh cùng các bạn từ khắp các miền quê, được các bạn trong lớp kéo đến thăm. Nói là bạn lớp tôi, nhưng lên đến đơn vị thành bạn của cả trung đội. Các bạn đồng ngũ của tôi khoái được nghe giọng Hà Nội lắm. Ai cũng mong các bạn lớp tôi tuần nào cũng lên chỉ cốt để được nghe Giọng Hà Nội.

Lúc đó, tôi không để ý đến nhận xét chân thật đó. Chỉ có đến lúc đến cả năm trời toàn nghe tiếng nước ngoài, chợt một hôm nghe được một câu từ băng catxet: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Lúc đó mới rưng rưng cảm động. Nỗi xúc động được nghe tiếng nói từ Tổ quốc chuyển tải qua giọng Hà Nội, làm cho nỗi nhớ nhà càng thêm đậm hơn. Và tôi cũng bắt đầu hiểu ra tại sao các bạn tôi thích nghe giọng Hà Nội.

Giọng Hà Nội gần đây nghe không còn nhẹ nhàng ấm áp và cũng dần trở nên hiện đại hơn, cứng cỏi hơn. Có một lần qua Pháp, tôi vô tình gặp thăm một gia đình trí thức di cư từ những năm 1954. Các cụ vẫn sử dụng giọng Hà Nội từ những năm đó. Các cụ truyền khẩu dạy cho con cháu ở thế hệ tiếp sau. Cũng là giọng Hà Nội thật đấy mà nghe sao tôi thấy là lạ quen quen, như mình đang ở nhà ông bà tôi ngày xưa. Tiếng gọi Cậu, Mợ được dùng để chỉ Bố, Mẹ đã không còn được truyền từ ông bà tôi sang gia đình bố mẹ tôi nữa. Vì thế tôi cũng không còn sử dụng tiếng gọi đó để truyền cho các con tôi. Tiếng Cậu, Mợ vẫn còn đâu đó trong các ngóc ngách hun hút tối mờ của những con phố Hàng …nơi trung tâm Thủ đô Hà Nội. Và thật kỳ lạ là giọng Hà Nội vẫn sống dẻo dai tồn tại giữa Thủ đô nước Pháp. Tiếng Mợ phát âm nhẹ kéo dài nghe như hơi có âm gió của từ “mự” lần khuất bên trong giúp cho tiếng Hà Nội 1954 nghe thật truyền cảm nhẹ nhàng.

Tiếng “Mẹ” của người Hà Nội bây giờ, dù cho không còn thêm hơi gió thoảng nhẹ nhàng như xưa, nhưng vẫn không lẫn được với tiếng gọi mẹ từ giọng các vùng miền khác. Từ Mẹ của người Hà Nội, với cách phát âm có một chút hơi chìm xuống ở cuối từ là vẫn bảo toàn được tính cách nhẹ nhàng trong giọng Hà Nội. Ngôn từ để chỉ đấng sinh thành ra mình sau gần 50 năm, nay đã đổi từ âm “Mợ” sang âm “Mẹ” mà cất đi chút gió thoảng của tiếng “Mự”. Biết đâu với “sự phát triển mạnh mẽ” của ngôn ngữ chát chít thế hệ 9X, 10X hiện nay, thì 50 năm sau, từ “Mẹ” cao quý cũng lại bị cắt gọt chỉ còn chữ “M” cô độc??? Nếu chuyện đó xảy ra thì thật đáng thương và tội nghiệp cho Giọng Hà Nội. Tôi là người hoài cổ nên phải chăng tôi đang lo nghĩ linh tinh?

Trong ngôn ngữ của người Hà Nội, hiện nay cũng đang dần dần biến mất đi một số từ, một số cách nói vì những người sống ở Hà Nội nay chọn được cách diễn đạt khác tiện hơn. Sẽ là “Hôm nào rảnh đến nhà chơi chơi nhá” cùng một cái bắt tay lắc giật bỗ bã. Còn đâu thấy cảnh nhẹ nhàng tiễn khách với hai bàn tay nắm hờ, với dáng lưng thả nhẹ hơi chùng xuống, kèm câu “Kính bác lại nhà ạ” được chủ nhà nói khẽ khàng khi tiễn khách với thái độ trân trọng. Một câu nói tiễn khách khuôn sáo cùng với ánh mắt hướng dõi theo khách. Và phải đợi cho tới khi người khách đã khuất đi nơi ngã rẽ thì chủ nhân mới chậm rãi quay về nhà. Cái lịch thiệp của người Hà Nội là cái lịch thiệp tự mình biết với mình, đâu cần phải để phô ra cùng thiên hạ.

Tôi vẫn tiếc chữ “Xơi cơm” trong các bữa cơm gia đình của người Hà Nội mà gần đây bị mai một đi, khi chữ “Ăn cơm” tiện lợi, đơn giản hiện đại hơn thay thế. Cũng đúng thôi phải không các bạn? Ai lại có thể “Xơi lẩu” được trên vỉa hè Phùng Hưng được, mà phải là “Ăn lẩu” mới đúng điệu.

Câu mời ăn cơm “Con mời bố, mời mẹ ra xơi cơm ạ!”, dùng trong bữa cơm gia đình Hà Nội thật là đượm ấm tình cảm gia đình. Tôi không nói từ “ăn” là thô, là phô nhưng “Xơi cơm” những tưởng loại bỏ được hơi hướng phàm tục có trong từ ăn. Người Hà Nội xưa trân trọng mời nhau đến nhà “dùng cơm” chứ không mời đến “ăn cơm”, “ngắm hoa” “thưởng rượu” chứ không “xem hoa” “uống rượu”. Ngày nay cũng không ít gia đình Hà Nội lưu lại ngôn ngữ bị coi là cổ điển đó. Đây phải chăng cũng là một phần trong cách thanh lịch của người Hà Nội.

Nếu đâu đó có nói người Hà Nội nói tiếng Việt không chuẩn thì cũng phải chịu thôi. Nếu biết rung lên khi nói những âm R, TR, S thì tôi có thể tin chắc là chủ nhân của những phát âm đấy không phải là người Hà Nội. Không bao biện cho cái sai, cái thiếu sót của cách phát âm như vậy của giọng Hà Nội đâu. Tôi công nhận sai. Nhưng với tôi, khiếm khuyết này như chiếc răng mọc lẫy trên một khuôn mặt dễ thương của người con gái Hà Nội. Chiếc răng khểnh sẽ chỉ làm rực rỡ hơn cho nụ cười trên khuôn mặt dễ thương kia mà thôi. Giọng Hà Nội thêm duyên vì có thêm chiếc răng khểnh phải không các bạn?

Con gái thấy tôi trầm ngâm mà không viết đã lâu, bèn hỏi:
– Bố ơi, bố không viết nữa ạ?!
– Không, bố không cần phải viết nữa đâu con.

Chữ “ạ” bé nhỏ như chiếc lúm đồng tiền trên má con, mà người Hà Nội hay nhẹ nhàng điểm xuyết thêm vào khi nói, cũng đủ để làm đẹp cho giọng Hà Nội rồi con. Bố không cần phải viết nữa đâu con ạ!.

***Xem thêm: Những bài thơ tình yêu viết về Hà Nội hay nhất

Nguyễn Chí Dũng

Theo dõi
Thông báo của
guest
29 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hai Nam Lee
Hai Nam Lee

Rất nhiều người đang hiểu nhầm về vấn đề Đúng,Sai trong phát âm ở các địa phương khác nhau. Và rất nhiều người nhạo báng cách phát âm L, N mà họ cho là “ngọng”.
Thực ra, không có bất cứ phát âm nào là sai cả. Về mặt ngôn ngữ học mà nói, tất cả mọi vùng miền đều phát âm ĐÚNG, giới hạn ở địa phương đó. Việc mọi người ngộ nhận Đúng Sai là do xuất phát từ nhu cầu Thống Nhất về mặt quy chuẩn ngôn ngữ mang tính học thuật nhằm để đưa vào hệ thống giáo dục chính quy nhất quán, đại biểu là Sách Giáo Khoa mà thôi.

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Hai Nam Lee

Đồng ý với bác về câu chuyện Thống nhất trong cách phát âm . Còn câu chuyện LN thì dù nói giọng ở bất cứ giọng vùng miền nghe đều kỳ kỳ bác ạ !

Đào Trương Bích
Đào Trương Bích

Bài viết rất hay . Thập kỷ 80 mình vào Sài gòn đi xe ôm cháu lái xe hỏi cô người Hà Nội phải không ạ , mình hơi ngạc nhiên : ” Sao cháu biết được cô ăn mặc giống nông dân mà ” ” Cô ơi giọng nói của cô không trộn vào đâu được ạ ” mình bật cười ” Cháu tinh quá ” ngay cả khi ra nước ngoài nếu ai đã từng sống ở Hà Nội đều nhận ra giọng của mình …

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng

Đúng vậy đó ạ ! Giọng Hà Nội cũng hay được các tỉnh khác sử dụng . Nhưng tinh ý vẫn có thể nhận ra bởi cách sử dụng kính ngữ hoặc nghe “ nhẹ “ hơn so với các phiên bản du nhập vào !

Nguyễn Minh Đạt
Nguyễn Minh Đạt

Mẹ mình người Hà Nội gốc. Đến bây giờ khi ngồi vào mâm cơm vẫn phải là : ” con mời bố mẹ xơi cơm ” và ” cái bát, cái đĩa này rếch rồi để ra ngoài đi “. Không bao giờ sử dụng từ ” bẩn ” dành cho nồi niêu xoong chảo bát đũa… là những thứ dùng để phục vụ cho ăn uống…

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng

Bác đưa ra ý này hay quá ! Giờ bác nói tôi mới nhớ ra từ “ rếch “ thần thánh có nguy cơ tuyệt chủng này. Đây cũng là một cách dùng từ khá đặc trưng của người Hà Nội thế hệ ông bà ta .

Triệu Thạch Lam
Triệu Thạch Lam

“Rếch” có nghĩa là sao anh ạ?

Nguyễn Minh Đạt
Nguyễn Minh Đạt
Trả lời  Triệu Thạch Lam

” Rếch ” là từ người Hà Nội xưa dùng để chỉ bát đũa xoong nồi… Nói chung là đồ chuyên dùng phục vụ cho việc ăn uống… bị bẩn đó vì kiêng ko dùng từ “bẩn” thôi mà. Vì đã “bẩn” rồi thì ai lại còn sử dụng để ăn vào miệng nữa dù là đã rửa sạch sẽ…

Duyen Nguyen Thi
Duyen Nguyen Thi

Không phải chỉ người Hà Nội mới dùng những từ như thế đâu ạ! Tôi cũng được nghe ông , bà , bố mẹ và người cao tuổi ở vùng quê khác cũng dùng từ đó. Có chăng giong nói người Hà Nội nhẹ nhàng,l ngọt ngào hơn thôi ạ!

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Duyen Nguyen Thi

Cám ơn bạn đã nhận ra cách nói nhẹ giọng và hơi lướt âm của người Hà Nội. Đây chính là điểm khác biệt góp phần tạo nên giọng Hà Nội dù ngôn ngữ , từ vực không khác nhiều so với các vùng miền khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Nghi Nguyenduy
Nghi Nguyenduy

Tôi cũng đã từng gọi “cậu” gọi “mợ”, cũng từng ” con mời cậu mợ xơi cơm”. Đọc bài của Nguyễn Chí Dũng mà nhớ đến nao lòng, giờ mỗi năm chỉ nói được vài lần vào lúc giỗ tết. chẳng dám bình luận gì nhiều nhưng bản thân tôi đã sửa được NL nhờ cô bạn cùng lớp luôn nhắc nhở mỗi khi tôi nói ngọng. Cám ơn tác giả bài viết.

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Nghi Nguyenduy

Rất vui vì bạn đã đồng cảm ! Hà Nội của chúng ta còn nhiều điều đáng viết và nên viết lắm ! Chúng ta cứ theo cảm xúc mà ” biên ” ra đây cho chính mình và cho những ai đồng cảm . Vậy là vui rồi.

Trịnh Vân Anh
Trịnh Vân Anh

Bài viết rất hay . Ngày xưa khi thấy mẹ tôi gọi ba mợ còn chúng tôi lớp con cháu thì gọi bố mẹ cũng như cha tôi hay nói” không dám bà lại nhà ạ “ nghe nó khách khí làm sao ấy nhưng báy giờ tôi mới hiểu đó là tiếng nói riêng của các cụ . Tôi còn chứng kiến mỗi lần đến thăm ông bà tôi bố mẹ tôi toàn chào “ thưa ba mợ con mới tới “ và khi về thì đi giật lùi và nói” thưa ba mợ con về ạ chứ không như chúng ta ngày nay chỉ chào” con chào bố mẹ “ lúc đến cũng như lúc về. . Ông bà bố mẹ tôi ngày xưa ăn nói một điều thưa hai điều gửi chứ bọn tôi bây giờ chẳng còn được như vậy còn tụi con tôi thì tệ hơn nhiều. Tóm lại những văn minh lịch sự của người Hà Nội ngày xưa đến đời con cháu chúng ta đã bị hoà nhập theo dòng người nhập cư vào Hà Nội hết rồi.

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Trịnh Vân Anh

Năm xưa tôi được bố mẹ cho vào miền Nam Việt Nam chơi sau ngày thống nhất đất nước. Tôi khá lạ lẫm trước cách khoanh tay chào hỏi của trẻ con trong đó và cách nói có thưa gửi. Giờ vào Sài gòn , hầu như điều đó bị thất truyền ! Tiếc thật !

Thiet Moc Lan
Thiet Moc Lan

Bài viết rất hay ! Cảm ơn tác giả viết bài này ,để chúng tôi đươc nhớ lại đấng sinh thành ,đã từng dạy các con những khuôn phép dùng từ…

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Thiet Moc Lan

Vâng ! Các cụ có thể trở nên lạc hậu . Nhưng những khuôn phép cổ vẫn nguyên giá trị đạo đức cho những gia đình nền nếp bác nhỉ !

Cu Dinh
Cu Dinh

Giọng Hà..lội bi giờ thường “lói cho nhanh.. cho vuông” ! Ôi Giời..! Đành phải quen thôi, nhưng trong lòng vẫn thoáng niềm rười rượi ! Sự phát triển, chuyển mình để chọn lọc, khẳng định cho cái mới của xã hội thời nào thì cũng phải qua thời điểm quá độ như hiện nay thôi…

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Cu Dinh

Cuộc sống vận hành với những quy luật khách quan ! Những Lói, những Lội …. sẽ bị sớm đào thải thôi bác ạ ! Chúng ta sẽ chờ ….

Bui Tran
Bui Tran

Tôi sống ở trong Nam gần 36 năm rồi mà thỉnh thoảng đi chợ hay đi đâu vẫn có người lạ hỏi : chị,cô…người Hà nội à…nghe thấy thật vui và ấm áp…Cám ơn cái gốc rễ Hà nội cho chúng ta những cái riêng biệt ko thể lẫn…( dù nhiều cái cũng pha trộn rồi…)

Phạm Ngọc Hà
Phạm Ngọc Hà
Trả lời  Bui Tran

Chính xác ! Không những trong Nam mà mình đi các tỉnh khác họ cũng phát hiện ra là người Hà Nội qua giọng nói. Kì thật .

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Bui Tran

Mình cố hoà đồng chứ quyết không hoà tan bác ạ !

Phạm Ngọc Hà
Phạm Ngọc Hà

Bài viết rất hay. Nhân câu chuyện này tôi lại nhớ về việc, cách đây gần 40 năm, khi con trai tôi mới 3 tuổi, chúng tôi gửi cháu về quê Thanh Hóa. Dân làng rất thích nghe cháu nói, nên hay bảo cháu nói đi và họ còn cho các thứ để được nghe cháu nói và bảo cháu nói giọng Hà Nội . Họ thích lắm….. sau khoảng 2 tháng gửi về quê, khi cháu ra Hà Nội, cháu béo tròn và đen, nhưng riêng giọng nói thì lại kiểu xứ Thanh. Cả nhà ông bà Ngoại lại buồn cười khi cháu nói giọng quê. Nói tóm lại, giọng Hà Nội là giọng phát âm chuẩn, không bị ngọng, nên mọi người các tỉnh đều thích vì dễ nghe.

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Phạm Ngọc Hà

Bác kể chuyện làm tôi cũng nhớ lại chuyện cũ. Khi các cháu còn nhỏ có nhờ cô bảo mẫu người nghệ an . Vậy là các cháu có thời gian nói “ rặt ri “ tiếng Nghệ ( tức là nói toàn tiếng Nghệ An ) . Hồi đó nghe cũng buồn cười kiểu hơi hai hài chứ ko có vấn đề gì . Lúc đó bận công việc đâu có thời gian nói chuyện với con .

Ngô Thụy Miên
Ngô Thụy Miên

Lúc nhỏ tôi cũng từng được nghe bố mẹ, cô chú gọi ông bà là cậu mợ cũng được nghe những câu thưa gửi thành kính (mà không phải chỉ người Hà Nội trong phố dùng – quê tôi ngoại thành HN), sau này bố mẹ, cô chú và chúng tôi không dùng những từ đó nữa trong cách sưng hô… Có lần đi công tác miền Nam trong một buổi đi thực tế có một bạn trẻ đã hỏi tôi “Chị là người Hà Nội?” tôi rất vui và hỏi lại sao bạn lại hỏi thế, bạn trả lời Em nhận ra giọng chị – Giọng HN. Tôi thắc mắc sao bạn biết hay vậy thì bạn trả lời Giọng HN nhẹ, chuẩn, nói hay… Thế đấy, Giọng HN dù không còn nhiều từ kính ngữ như xưa nhưng đi khắp nơi vẫn có người nhận ra Giọng HN. Tôi nghĩ mỗi địa phương có một giọng nói riêng về cách phát âm về âm vực nên dù cho cách dùng từ thay đổi thì vẫn giữ được giọng nói của địa phương đó.

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Ngô Thụy Miên

Cách dùng từ của người Hà Nội hay sử dụng kính ngữ nghe rất ôn hoà. Ở đâu đó cách dùng đó bị chê là hơi khách sáo. Nhưng dù có thế nào tôi cũng thích cách dùng đó. Có lẽ là do thói quen chăng !

Nguyễn Đoan Trang
Nguyễn Đoan Trang

Tôi vẫn nhớ khi mẹ tôi gọi một ai đó và người đó trả lời “dạ ” thì mẹ sẽ lại nói ” không dám , bà dạ cụ ạ ” rồi mới nói điều mình định nói , một cách nói rất nhún nhường và tôn trọng người khác

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng

Cách nói này được coi như phổ cập thời đó. Cách dùng ” kính ngữ ” như vậy vừa nhún nhường vừa tỏ ra tôn trọng người đang tiếp chuyện. Kể cả muốn phản đối cũng tạo ra được một bầu không khí thân thiện. Bây giờ từ ” Vâng ạ ” được giới trẻ dùng nhiều hơn và cũng thấy rõ sự khiêm cung trong đó.

Bich Lien
Bich Lien

Tác giả viết hay quá, giọng HN hay là vậy mà một số người khi dời xa HN làm ăn trong nam họ cứ bắt chước giọng nam nửa nạc nửa mỡ nghe rất khó chịu, tôi rất chân trọng những ai xa HN vài chục năm quay về vẫn giữ được từ chất giọng đến ngữ điệu của người HN

Nguyễn Chí Dũng
Nguyễn Chí Dũng
Trả lời  Bich Lien

Tôi đồng ý với bạn . Làm người dù ở đâu cũng nên giữ cốt cách của mình, của gia tộc mình . Có thể nói , trời ban cho ta may mắn được sinh ra Hà Nội, nếu không gặp phải những hoàn cảnh quá ư đặc biệt, ta nên giữ cho ta giọng Hà Nội . Dù sao, giọng Hà Nội vẫn được coi như ngôn ngữ phổ thông chuẩn Việt .