Ở nơi ngập tràn nắng ấm nghe tin gió mùa đang về giữa tiết thu phân chợt nhớ ra mùa rươi đang về. Tháng chín đôi mươi rồi đấy, sớm mai chắc sương mù dày lắm. Ngoài chợ lại nô nức hàng rươi đầu mùa. Nhớ quá…
Sau cuộc giao hoan rã rời con rươi lại cống hiến cho đời một thứ thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng, ngon đến tê dại đầu lưỡi. Tôi lại nhớ về những ngày xưa chưa xa, háo hức khi biết hôm nay mẹ làm món chả rươi thơm nức. Những con rươi còn tươi chen chúc nhìn khá ghê nhưng khi ăn lại ngon đến đằm cả vị giác.
Trước đó mẹ tôi đã để dành lại ít vỏ quýt phơi cho đỡ hăng, phải là loại quýt giấy mỏng vỏ ấy. Hành, thì là thái nhỏ, ba quả trứng vịt. Rươi mua về rửa sạch nhớt bằng nước ấm, loại bỏ chân bằng nước nóng, đập trứng, thịt nạc vai băm, hành, thì là, vỏ quýt thái chỉ, chút gia vị, mỳ chính, hạt tiêu, đánh nhuyễn cùng rươi. Mỡ lợn để nóng già, mẹ nhẹ nhàng múc từng muôi nhỏ cho vào chảo, từng miếng vừa ăn thôi nhé. Mất công chút nhưng miếng chả rươi sẽ ngon hơn rán miếng to dàn đều lòng chảo. Rán từng mặt chín vàng nhé, thơm chưa? Trời ơi, thơm quá chừng thơm đó. Có lẽ ít cái mùi thơm nào lại quyến rũ thế. Nó len lỏi trong không gian, luồn lách trong những lớp áo ấm rồi âm thầm đánh thức con tỳ con vị của ai lỡ lạc vào không gian đó…
Anh em chúng tôi cứ háo hức vậy đó, chăm chú nhìn từng miếng chả chín vàng, nước bọt như tứa ra nơi chân răng. Đĩa chả được trang điểm bằng vài cọng mùi, chấm nước mắm ta, pha nhạt chút, mặn quá nó át vị đi. Chả rươi nên ăn nóng mới ngon. Rươi có tính hàn, bổ âm nên nhất định phải có chút vị ấm nóng của vỏ quýt hay lá gấc, lá gừng để điều hoà phong vị. Không là dễ bị lạnh bụng lắm đó. Anh em chúng tôi chả nề hà gì mà không chén cho no những miếng chả thơm, ngọt, ngậy, béo. Ăn mà cứ suýt xoa sao ngon thế? Thơm thế?
Miền Bắc bước vào những ngày chớm đông, cái se se lạnh như quyện cùng miếng chả rươi thơm nức. Cái không khí ấy, cái mùi thơm khơi gợi ký ức ấy cứ làm cho những người con xa quê thấy nhớ quá, thấy mong quá. Chao ơi là nhớ…
Tuấn Linh
Các bạn vừa xem qua bài viết hoài niệm về mùa rươi của tác giả Tuấn Linh. Để gợi lại những kỷ niệm, cũng như giúp các bạn cảm nhận rõ hơn về Mùa Rươi, kyuc.net xin được tổng hợp 1 số bài viết từ thành viên về chủ đề Mùa Rươi ở bên dưới…
MÙA RƯƠI – Tác giả: Từ Thức
“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”. Ấy là câu cửa miệng của người dân quê tôi khi nói về mùa rươi. Con rươi đã cả một năm nằm dưới đất có khi tận âm ti củ tỉ, đây là thời điểm chúng nổi lên đồng loạt để kết bạn tình với nhau. Qua quá trình tích lũy dinh dưỡng cả năm, con nào con ấy béo mũm mĩm và có màu hồng đậm trông rất bắt mắt, khi đó người ta gọi là rươi đã “chín”. Bên trong con rươi đầy ắp chất dinh dưỡng trắng tinh như sữa vậy.
Rươi là lộc trời cho, vùng đất có rươi người xưa gọi là “Thánh cho ăn lộc”. Con rươi chỉ sống được ở vùng nước sạch, chân ruộng chua phèn không bao giờ có rươi. Nhiều rươi nhất phải kể đến mạn Hải Dương, Hải Phòng là nơi đồng bãi của con sông Văn úc, sông Ruột lợn và các chi nhánh của nó. Ngoài ra Đông triều, Mạo khê Quảng ninh cũng có rươi nhưng ít hơn. Đặc sắc nhất phải kể đến rươi Tứ kì, Thanh hà Hải Dương và Tiên lãng Hải Phòng.
Xưa khi đồng ruộng chưa quy hoạch, đến ngày con nước nổi khoảng từ gà gáy đến 9 giờ sáng là thời gian rươi nổi. Nước phù sa lên tràn ruộng bãi, từng đám rươi bùng lên trông thật thú vị. Cả làng người mang rổ rá, mùng vợt ra vớt rươi. Ồn ã và tấp nập vui như trảy hội.
Nhà ít cũng được một vài bát rươi, nhà có đầm cói tốt có khi vớ hàng chục thúng rươi. Trưa về cả xóm xì xèo với món chả rươi rán, thơm lừng khắp xóm, một mùi thơm đặc biệt mà chỉ rươi mới có. Khi ấy chưa có tủ lạnh, rươi ăn không hết thì đem bán hoặc làm mắm rươi. Món mắm rươi thì quả là đệ nhất! Đem chưng lên với lá gừng hạt tiêu mà chấm với thịt lợn ba chỉ luộc…chỉ nghĩ thôi đã chảy nước chân răng!
Không ngẫu nhiên gì mà món chả rươi có tên trong những món ăn của thế giới do một số tạp chí bình chọn. Món chả rươi chế bến khá đơn giản nhưng có một mùi vị đặc biệt bởi hương vị mặn mòi của con rươi đất đồng bằng Bắc bộ. Chỉ cần vài lạng rươi, ít thịt ba chỉ, hai ba quả trứng gà cộng với gia vị là vỏ quýt ta, lá gừng tươi, thì là, hạt tiêu. Tất cả băm nhuyễn quấy đều (riêng rươi không cần quấy kĩ, sẽ bị nát), đem rán nổi mỡ đúc thành bánh hoặc chia nhỏ là đã có một đĩa chả rươi thứ thiệt. Vỏ quýt có tác dụng tạo mùi thơm đặc trưng và chống dị ứng khi ăn rươi.
Nhưng muốn ăn những món đặc sắc của rươi phải về vùng đất rươi mới đủ món. Rươi kho là niêu đất là cả một kì công, con rươi được kho trong niêu đất từ 4 – 6 tiếng mà vẫn không bị nát, ăn với cơm gạo tám thật không muốn đứng dậy.
Nhưng tôi lại thích món mọc rươi hơn, chế biến món này cầu kì nhất. Thịt ba chỉ băm nhỏ trộn với rươi và trứng gà, măng tay tre thái chỉ quấy đều với gia vị. Nắm thành từng nắm tròn đem nấu với quả gấc non cùng với lá gừng thì là hạt tiêu… Ngon hết nói. Rươi xào củ niễng cũng là một món rất đặc sắc của người Hà thành. Rươi cũng có thể nấu với su hào hoặc rau cải, ăn vừa thanh vừa ngọt.
Món lẩu rươi cũng không thể bỏ qua, vài ly rượu đế có thể xơi hết cả kí rươi lẩu mà không biết no là gì…
Một điều rất thú vị, mùa rươi đã ngon thì con cá sông nơi ấy cũng cực kì ngon theo! Bởi chúng được xơi đặc sản rươi từ ruộng theo nước bơi ra, thảo nào thịt cá chả ngon!
Ngày nay người ta quy hoạch những vùng có rươi để sản xuất và thu hoạch rươi với sản lượng lớn, hoặc người ta có thể nhân giống rươi bằng cách cải tạo độ PH của những chân ruộng không có rươi rồi thả rươi giống vào, năm sau cũng có thể thu hoạch. Nước sẵn rươi, chỉ vài ba mẫu có gia đình thu vài tỷ một vụ rươi là thường, năm mất mùa rươi cũng gấp năm gấp mười lần cấy lúa.
Ruộng nuôi rươi được dọn sạch cỏ, đắp bờ bao và bón phân hữu cơ cho đất tơi xốp giàu dinh dưỡng để con rươi có nhiều thức ăn và sinh sôi tốt. Đặc biệt không được dùng thuốc bảo vệ thực vật, con rươi sẽ mất giống. Có nơi người ta cấy một vụ lúa để giữ không cho cỏ mọc. Khi đến ngày thu hoạch rươi, người ta tháo nước vào ruộng, chờ đến khoảng gà gáy là bắt đầu tháo nước ra theo đường cống đã xây sẵn. Lúc đó chỉ việc đăng cho rươi trôi vào đăng và thu hoạch. Không khí đầm bãi những ngày thu hoạch rươi đông vui như ngày hội, thương lái đến mua rươi chuyển đi thị thành, có khi còn đóng đông đá gửi đi cả nước ngoài nữa.
Mùa rươi ngắn ngủi, chỉ rộ lên hai con nước chính, năm nào thuận nhiều rươi thì có thêm được vài con nước xép nữa, nhưng ít rươi hơn con nước chính.
“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”.
Ấy! bu tôi lại lẩm bẩm đấy! Mà lạ, bu đã ngoài tám mươi, lẩm cẩm quên nhiều thứ nhưng với rươi thì bu không bao giờ quên!
MÙA RƯƠI NỔI – Tác giả: Nguyễn Thanh Thủy
Đôi khi tôi cứ muốn làm kẻ gàn dở thích trở lại làm đứa trẻ thơ tung tăng khắp cánh đồng hái những bông hoa dại cài lên làn tóc rồi cười phá lên tan giòn cùng nắng, cùng gió; cùng bạn bè lội nước tung tăng bắt con cua, con cá; hớt rươi mỗi khi mùa nước nổi về. Mỗi lần ai đó nhắc về rươi hay dù chỉ là xuất hiện trong ý nghĩa. Tôi lai bâng khuâng tiêng tiếc những mùa rươi của đất, của trời. Nhớ lắm mùa rươi nổi quê tôi.
Nơi mà cánh cò bay lả bay la theo tiếng hát ầu ơ của mẹ, nơi dòng sông Hồng âm thầm bồi đắp cánh đồng quê hương bao mỡ màu, nơi ấy tôi đã sinh ra và lớn khôn. Được là người con của vùng quê lam lũ nên với chúng tôi, nhắc đến rươi chẳng ai là không biết, thậm chí nó còn in hằn cho miền kí ức ấu thơ đeo đẳng mãi theo tôi suốt những tháng năm.
Vào cuối thu, khi mà cái nắng vàng dìu dịu còn dùng dằng níu giữ mùa thu yêu dấu, hoa cúc bung sắc vàng chỉ sợ ngày mai thôi sẽ phải phai màu. Nước sông được tháo chảy vào các con mương, thửa ruộng mấp mé bờ. Khi ấy cũng là lúc mùa rươi về.
Mùa rươi nổi quê tôi có lẽ giờ chỉ đọng lại trong miền kí ức đã xa của thế hệ chúng tôi. Tôi còn nhớ như in, ngày ấy mỗi lần ngoài đồng nổi rươi, cả xóm lại truyền tai nhau rồi chẳng ai bảo ai mỗi người cầm chiếc vợt hay mang chiếc thau nhỏ ra đồng để hớt. Người thì đứng trên bờ vợt, vợt rồi đổ nhẹ vào thau. Chúng tôi bì bõm lội xuống ruộng chạy theo những chú rồng đất đang tung tăng bơi lội theo dòng nước. Rươi nổi nhiều lắm cứ nối đuôi nhau bơi như những chú rồng nhỏ trong dòng nước còn đang hồng vị phù sa của sông đổ vào, rồi ngoan ngoãn nằm gọn trong bàn tay người. Cánh đồng, bờ mương đông nghịt người xuống hớt.
Còn nhớ, mỗi đợt rươi nổi nhiều là chúng tôi lại hớt được cả thau. Những chú rươi màu hồng nhạt như những con rết mà hiền lành lắm. Chúng lúc nhúc bò lên nhau nhìn yêu ơi là yêu. Đất lành nên con nào con nấy mập mạp béo núc béo ních. Trông vậy nhưng chúng mỏng manh yếu ớt lắm, nên tôi phải rất nhẹ nhàng, khẽ khàng không là sẽ bị vỡ mất. Cầm thau rươi về lòng tôi ngập tràn niềm vui, niềm hân hoan. Con đường reo vui cùng nhịp bước chân tôi.
Rươi có thể xem là một thứ đặc sản ở quê tôi. Người ta có thể chế biến thành nhiều món: Chả rươi lá lốt, rươi kho khế… Món nào cũng ngon và ăn rất hao cơm. Mỗi lúc đi học về tầm bụng đói, lại nghe thấy mùi rươi rán bụng lại đói cồn cào. Chỉ nhăm nhăm đến bữa cơm, ngồi đánh tì tì vài bát, ăn mãi mà chẳng thấy no. Ngày ấy kinh tế khó khăn nên dù biết là đồ ngon sạch nhưng cũng chỉ dám để lại nửa cân để cả nhà thưởng thức. Số còn lại mẹ mang ra chợ bán lấy tiền để thêm tiền phục vụ sinh hoạt gia đình. Ai may mắn mua được mẻ rươi hớt tay là hôm ấy vui phải biết. Cứ thế những mùa rươi nổi cùng tôi đi theo những tháng năm, dạy tôi biết trân quý quê hương, bè bạn những người đã cùng tôi làm lên một tuổi thơ dữ dội. Giờ cứ mỗi độ cuối thu về, ai nấy lại nhớ về tuổi bé thơ cùng với những mùa rươi nổi. Đâu đó trong mỗi chúng tôi một chút bâng khuâng, nuối tiếc… Những mùa rươi nổi xưa đã qua thật rồi.
Lâu rồi tôi lại có chuyến về thăm quê. Đi dọc đường đồng tìm cho mình cảm giác thư thái bình yên. Nước sông lại được tháo vào con mương, ruộng đồng nước xăm xắp. Mà vắng bóng đàn rươi nối nhau bơi theo dòng nước. Cũng có khi dưới những bãi đầm thi thoảng vẫn nổi rươi nhưng là rất ít, rươi nhỏ con không được mũm mĩm như xưa. Có lẽ do đồng ruộng đã được cải tạo nhiều so với trước, lại thêm những bình thuốc sâu đổ xuống làm khiến đất mẹ không còn là ngôi nhà an toàn để lũ rươi quay trở về. Có khi nào chúng nhớ cánh đồng xưa?
Quê tôi giờ vẫn có rươi để ăn nhưng là những chú rươi nuôi béo múp míp. Cũng lá nốt, vỏ quýt rán thơm vàng mà sao cứ nhớ hoài miếng chả rươi xưa.
Cứ mỗi lúc cuộc sống mệt mỏi bủa vây tôi, là tôi lại tìm về với những ngày thơ dại. Nhiều lúc tôi cứ muốn trở về là đứa trẻ ngày nào lội theo dòng nước bắt rươi mỗi khi mùa rươi nổi về. Cơn mơ đi qua, tôi trở về với thực tại. Lòng lại nhớ thương về mùa rươi nổi đã qua…
BÀI THƠ “CHẢ RƯƠI” – Tác giả: Bùi Hiển
(Giới thiệu món ăn Hà Nội) Đơn giản chỉ là vài ba lạng rươi, nhúm vỏ quýt khô, chút thịt gà hoặc lợn băm cùng mộc nhĩ nấm hương với mấy nhánh thìa là mà sao mấy chục năm rồi chưa quên nổi món Chả Rươi của Mẹ.
Mưa đận này tí tách.
Xưa Mẹ bảo mưa rươi.
Mưa buồn lắm mưa ơi.
Người xưa đà khuất núi…
Làn mưa thu chấp chới.
Chép miệng nhớ Chả rươi.
Mấy chục năm hồi ấy.
Vẫn thơm mãi…Mẹ ơi..
Thoáng chút nhớ chơi vơi.
Miếng chả rươi mẹ rán.
Ăn mãi không biết chán.
Hương vỏ quýt đậm đà…
Dăm ba quả trứng gà.
Cùng nấm hương mộc nhĩ.
Thịt vai thêm một tí.
Băm nhỏ Mẹ trộn vào.
Thơm nức hành Mẹ chao.
Đem thả vào nước chấm.
Thìa là cùng nước mắm.
Quyện vào miếng chả rươi.
Bao năm hương vẫn đậm.
Miếng chả của…Mẹ tôi..!
KẾT
Các bạn vừa xem qua những bài viết hoài niệm về Mùa Rươi từ nhiều tác giả. Hãy chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm của bạn về những mùa rươi bạn từng trải qua cùng kyuc.net ở phần bình luận nhé!.
Chả rươi món ngon của tuổi thơ ! Rươi kho món quyến rũ của tuổi già ! Cảm ơn tác giả ! Nhớ mùa rươi nhớ vị rươi tươi xào lá gấc non !
Rươi là đặc sản quý hiếm không phải ở đâu cũng có. Mùa rươi là mùa heo may, chưa được ăn rươi người cứ đau ê ẩm. Ăn được bữa rươi tự nhiên hết đau, thế mới lạ! Nước rươi đến rồi, một nhà rán chả rươi, mùi thơm bay khắp xóm kích thích vị giác khiến người ta thèm , phải mua ngay về ăn mới được !
Mùa này hằng năm, tôi hay về quê vợ ở Ninh giang để ăn rươi. Món rươi kho cũng biết lần đầu tiên ở đó. Lẩu rươi cũng được biết ở đó. Còn mọc rươi, quả thực chưa được nếm bao giờ.
Hôm qua, dưới quê lại gửi lên mấy ký rươi.
Các cụ ngày xưa có câu “ rau âm phủ ( măng ) nấu với mủ … tiên ( con rươi )
B… ông Cao biền ( cá quả ) nấu với ả … treo ( quả khế )
Nghe bậy mà nhớ lâu a nhỉ !
Mình nghe kể về rươi nhiều nhưng chưa được ăn bao giờ. Cám ơn tg vì bài viết, mỗi địa phương đều có những đặc sản riêng, những bài viết như này giúp mọi người biết thêm nhiều điều thú vị .
Quê em gần cửa sông nên vào mùa rươi thường có món này. Nhưng người nhà quê chỉ làm mấy món đơn giản: đập trứng vào chiên, xào với lá gừng, lá sắn béo béo bùi bùi. Hồi trước rẻ bèo, lâu rồi ở trển các anh mua hết giá cao, người quê ít được ăn.
Mùa niễng lại trùng với mùa rươi, sao mà hợp thế không biết.
Cũng như rau muống luộc chấm tương, nước rau luộc đánh dấm mấy quả sấu xanh thì không thể thiếu mấy quả cà pháo muối.
Tôi chưa nhìn thấy con rươi, chưa nhìn thấy cảnh vớt rươi, cũng chưa được ăn rươi tráng trứng hay kho khế. Sáng sớm hôm nay đọc 1 bài báo viết bằng tiếng Anh nói về rươi, vừa ăn cơm trưa xong thì đọc được bài bạn viết. Càng tạo thêm sự tò mò và thêm nỗi nhớ nhà.
Nhìn miếng chả rươi vàng rộm ngon thật. Nhưng nhìn con rươi thì sợ lắm, mà chưa ăn bao giờ.
Cả một bầu trời tuổi thơ ùa về… Em Kinh Môn _ Hải Dương ạ…. Ngày xưa quê em vào 2 ngày đó, rươi ăn không hết, giờ xa quê, không biết còn không.
Từ hồi có rươi đông đá , thì không chỉ tháng chín , tháng mười , mà cả giêng hai hay Noel , bọn tôi cũng có chả rươi …
Năm mươi năm rồi , nhanh quá , ngày ấy tôi mới chỉ lên 9 , lên 10 , nhưng cũng đã biết đi vớt rươi khi mùa rươi đến . Những địa danh như sông Đống , Chiều vàng … chỗ nào có sông dù to hay nhỏ cứ có nước triều lên là có rươi ! Ngày ấy không có thịt , rươi mang về hay kho hoặc nấu với măng !
Năm nào cũng vậy , đến mùa rươi , làng trên xóm dưới thom nức một mùi rươi , hương vị đặc trưng của quê tôi , sao lẫn vào đâu được !
Xa quê đã hon 40 năm , sống nơi ồn ào phố thị , giữa bao hương vị ẩm thực của phố phường , nhưng không bao giờ quên được mùi thơm của rươi quê tôi !
Tôi chẳng thể nào quên câu nói từ ngàn đời của người dân quê tôi :” THÁNG 9 ĐÔI MƯƠI , THÁNG 10 MÙNG 5 ” , nên năm nào , khi mùa rươi về, tôi lại về quê mua lấy răm cân làm quà cho bạn bè và con cháu thưởng thức hương vị của quê nhà !
E là người HP ạ. Nhà e năm nào cũng mua ít nhất 35-40kg về ăn. Nếu nói về các món ăn chế biến từ rươi từ thời các cụ để lại thì chỉ có mắm rươi, rươi kho, chả rươi. Ko có lẩu rươi và mọc rươi ạ.
– anh nói chả rươi ko nên khuấy kỹ, sẽ nát. Vậy thì e nghĩ a chưa bek chế biến món chả rươi rồi. Chả rươi mún ngon bắt buộc phải khuấy kỹ để rươi tan thành bột, rươi quyện với trứng, thịt và các rau gia vị khi chiên vàng tạo nên độ ngậy nhất định. Còn cho vỏ quýt vào rươi để tạo mùi thơm chứ ko phải để chống dị ứng ạ. Với 1 số người, khi ăn rươi bị dị ứng, có cho cả lạng vỏ quýt vẫn dị ứng.
Gia vị chả rươi của anh viết thiếu rất nhìu: chả rươi gồm có thịt nạc xay ( thịt có mỡ để chả ko khô), trứng , hành lá , thì là, rau răm, lá lốt, lá gừng, ớt, mắm, tiêu, bột canh, bột nêm. Còn vỏ quýt, có nhà cho nhà ko. Nhưng các gia vị trên là ko thể thiếu, nhất là lá gừng.
– chỉ có món rươi kho là để nguyên con rươi, rươi có thể kho vs thịt ba chỉ và các rau gia vị như chả rươi và ớt nguyên quả. Ngày xưa nhà nào khá giả thì kho rươi với thịt or tóp mỡ, còn nhà nào đông con, vớt được ít rươi ở ruộng thường là kho với su hào.
Từ nhỏ mình ở Hải Dương đã được thưởng thức món rươi! Vẫn nhớ những lúc đi học về qua phố, bụng đói cồn cào mà ngửi mùi rươi rán … thật không thể quên được!
Thoạt nhìn có vẻ gê gê..
Khéo tay chế biến lại mê ngay mà
Tiếc rằng đất cảng em xa
Ngon thì ngon thật nhưng là ngon hơi.
Ngày bé đã có lần đi vớt rươi, nhưng lại không dám ăn. Nhìn món rươi đúc trứng rõ ngon mà cứ cảm giác sao đó lại không dám ăn, thành ra đến giờ vẫn không biết hương vị của rươi ra sao. hu hu
Mình dân miền nam ở đà lạt núi rừng nên chưa bao giờ biết hay nhìn thấy con rươi chỉ nghe người ta khen ngon và nói về nó
Nhưng nhìn hình của nó mình sợ chết khiếp các bạn à ghê quá chuyện của bạn hay lắm đọc để biết chớ thật tình mình khiếp lắm không dám đến gần.
Món ăn yêu thích vì rất ngon. Cứ đến mùa rươi lại nhớ đến ông nội của tôi. Ông nội rất thích ăn chả rươi và luôn có chén rượu hạt mít bên cạnh, ông muốn chả rươi fai có đúng vỏ quýt (hôi) cùng chút ớt chỉ thiên cắt nhỏ lẫn vào (chả rươi đầu tiên do bà nội tôi làm, sau là bác tôi rồi mẹ tôi và cuối cùng giờ là tôi 😀 ). Mùa Thu mùa nhớ ông nội một ông giáo dạy cho trẻ em từ lớp vỡ lòng (hệ 10/10) tới lớp 2, lớp 3. Hình ảnh ông nội với quần kaki xanh xi măng bàng bạc, áo sơ mi trắng cộc tay, với hàng ria tỉa kỹ càng, chống cây batoong ra Bưu điện tp xếp hàng mua báo về đọc (thời năm 80-85 HN muốn đọc báo fai đặt hoặc ra bđ xếp hàng mua) là hình ảnh ko thể phai của tôi về ông. Và hơn cả là tôi cg hay đc ngồi chầu rìa khi ông nhắm rượu với chả rươi. Nhớ ông vô cùng <3 .
Cám ơn bạn đã cho tôi có cơ hội bộc lộ một thời ký ức về chả rươi HN.
Giờ còn đâu hương vị rươi thuở trước nữa cụ ơi. Hà Nội rươi độn trăm thứ bà rằn.
Vỉa hè cuối Lò Đúc có hàng chuyên rươi nhưng chỉ là ” lướt qua hàng rươi”.
Giờ muốn chén rươi thứ thiệt thì phải về Tứ Kỳ, _, Hải Dương. Vào sâu sâu trong làng có cái quán ngay bờ sông. Thằng chủ quán cũng hơi đặc biệt, cứ 8h tối là nó không bán hàng nữa, khách đang nhậu nó cũng ra giục hối lượn.
Nhớ thưở nhỏ, ba tôi đi dạy học về. Buổi trưa mua rẻ tới cả nửa thúng rươi, về cụ chế biến các kiểu..tóm lại được mấy bữa no rươi. Hế hế
Rươi rất giàu đạm, fang nhiều rươi đảm bảo người ê ẩm nặng nề ít nhất 2 ngày. Nhưng vẫn sướng !
Con gì bé tỉ tì ti
Mình đi dưới đất bóng đi trên trời
Một năm mấy bận đi chơi
Đi thì lở đất long trời mới yên.
Ngày xưa có câu : “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, theo âm lịch là có rươi. Nhưng ngày nay đã khác, rươi có quanh năm, kể cả trong miền Nam. Nghĩ đến món rươi lại nhớ quê hương, không chỉ có món chả rươi, mà còn nhiều món khác không kém phần hấp dẫn như : canh rươi nấu cải xanh, thịt chân giò lợn luộc chấm mắm rươi, rươi xào củ niễng …
MÙA RƯƠI…
Quên làm sao được mùa rươi
Đôi mươi tháng chín…tháng mười mồng năm *
Nước lên chọn chỗ đặt săm
Từng đàn rươi nổi…trôi nằm đẫy bao
Lấy măng đem xáo ngon sao
Khuấy tan trộn trứng…món nào tuyệt hơn !
Hôm nay mưa chẳng dứt cơn
Ngâm nga li rượu…chập chờn đàn rươi…
Ngàn đời chỉ có quê tôi
Là tinh hoa của đất trời ban cho !!!
*Mỗi năm ở Hải Dương rươi chỉ chui lên từ dưới đất hai đợt là 20/9 và mồng 5/10 âm lịch…
Ngon nhất là rươi rán rồi xáo măng tre tươi nhưng không bị đắng…
Tuyệt hảo là mắm rươi…
Ngoài ra có con ruốc nhỏ như hạt cám nấu cà chua cho lá thì là chấm rau diếp hay xà lách thì tuyệt hảo…chỉ quê tôi mới có…vừa nhắc đến đã thèm !…
Thơ H.Liệu
Rươi mà trộn trứng rán lên
Thơm cứ bốc mũi, lại len dạ dầy
Ăn vào ngọt lịm nhớ dai
Từ hồi bé xíu chưa phai bao giờ
Quê mẹ có bến có bờ
Canh ruộng rươi nổi… trông chờ heo may!