(Một thời bao cấp, âu cũng là CHUYỆN ĐỜI, đăng lên đây để mọi người cùng đọc, hơn hết để lớp trẻ không nghĩ rằng đây là “truyện cổ tích”. Lớp già ai có kỷ niệm nào đáng nhớ về thời kỳ này thì cũng góp thêm vào cho câu truyện cổ tích thêm phong phú, Đa tạ)
Theo phong tục tập quán của người Việt, mối năm chỉ có hai dịp được gọi là Tết đó là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Bây giờ vào những dịp này chẳng thấy ai tất tả, xuôi ngược lo tết từ trước cả vài tháng như ngày xưa, chỉ cần có tiền, bỏ ra một buổi mua sắm là có đầy đủ hết, chả thiếu thứ gì, cũng may là do thời cuộc đổi thay mà chúng ta có được như ngày hôm nay. Chợt nhớ lại cái thời bao cấp khốn khổ khốn nạn, lan man nhớ đâu viết nấy để những người lớn tuổi-những người đã từng trải nghiệm qua thời gian này-nhớ lại một thời đã qua.Để những người trẻ tuổi-chưa từng biết đến bao cấp là gì-thấy được có một thời thế hệ đi trước đã phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn như thế nào mà so sánh với cuộc sống hôm nay.
Lại nhớ về cái thời bao cấp, khó khăn về vật chất, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc luôn thường trực trong mỗi người, mỗi nhà. Tưởng rằng đuổi Mĩ, oánh Thiệu xong rồi thì được ấm no, chí ít ra phe XHCN ta cũng không để ta đói như thời Bắc-Nam chia cắt, dăm năm nữa nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh như bác Tổng bí thư tuyên bố, ai ngờ đói còn đói hơn, gian khổ còn gian khổ hơn.
Mặc dù chế độ bao cấp đã tồn tại ở miền Bắc từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, tức là trước thời kỳ Đổi mới. Đây được coi như một giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XX.
Thập kỷ bao cấp nói cho chính xác thì bắt đầu từ trước năm 1975 ở miền Bắc, và sau đó là toàn miền Nam từ ngày thống nhất đất nước, kéo dài cho đến năm 1986. Thời kỳ đó mọi nhu yếu phẩm của cuộc sống đều được phân phối theo dạng tem phiếu, bao tiêu dạng đầu người, hoạch định và cấp phát bởi nhà nước, buôn bán cá nhân hay kinh doanh cá thể bị hạn chế. Vì thế phát sinh những thiếu thốn vật chất, nảy sinh tiêu cực, kèm theo đó là muôn vàn khó khăn thời hậu chiến mà không thể một sớm một chiều giải quyết được, nên nảy sinh ra cái cơ chế bao cấp kìm kẹp, ngăn sông cấm chợ và một đường lối thiếu đúng đắn.
Ngày ấy chị mình nhanh nhẹn, tháo vát nên được mẹ trao quản lí toàn bộ tem phiếu trong nhà. Chị siêu nhất cái khoản xếp hàng, hôm nào bán cá bể ngon, dân tình xếp hàng bằng gạch, bìa, nón… dài dằng dặc, chị bước qua dãy hàng đó nghiêng chân đánh rơi chiếc dép, thế là nghiễm nhiên có chỗ chờ cá về, đi ngang quầy chất đốt ở Dã Tượng ghé vào gửi chỗ chạy về nhà lấy phiếu dầu, lấy can, ra đến nơi đã thấy một dãy dài xếp phía sau cái người mà mình gửi chỗ…
Còn nhớ hôm ấy, chị mình dậy sớm để đi xếp hàng mua thực phẩm. Trời mùa hè, nắng và oi bức, mãi gần 12 giờ trưa vẫn chưa thấy chị về. Cả nhà sốt ruột vì đã đến giờ cơm trưa. Rồi mình nhìn thấy chị, thẫn thờ, mặt trắng bệch, dắt xe đạp đi vào nhà, mình không bao giờ quên khuôn mặt chị lúc ấy: Nước mắt còn đọng trên mi, khuôn mặt ngơ ngác và thất thần. Chị chỉ nói được câu: Mất hết rồi ! rồi oà lên khóc. Khi chị đã bình tâm lại, cả nhà mới biết, khi xếp hàng mua thịt thì bị rạch túi và kẻ gian đã lấy sạch tem phiếu và tiền. Ngày ấy, mất hết tem phiếu là cả nhà nhịn ăn nhịn mặc cả tháng. Mẹ tiếc của, nước mắt chảy dài nhưng vẫn an ủi chị: “ Thôi con đừng lo, mẹ đã có cách, mẹ sẽ vay một phần tiêu chuẩn của các cô, các bác cùng cơ quan, tằn tiện qua tháng rồi đâu khác vào đó” Chị vẫn tiếc của càng khóc to hơn…
Mường tượng lại ký ức bao cấp khi đó, chỉ mong sao xếp được hàng mua gạo mà không phải gạo mốc, được ăn bữa cơm trắng không độn, đi xe đạp Phượng Hoàng, tắm xà phòng thơm Hoa Lan, trong nhà có cái quạt con cóc 35 đồng để chống lại mùa hè oi ả hay có Tivi đen trắng Sanyo đời Sài Gòn ơ kìa để cả khu tập thể cùng xem. Có lúc cả Hà Nội phải ăn độn bo bo, ăn vào như thế nào thải ra nguyên xi như thế.
Còn nhớ hồi này người ta truyền nhau câu hát:
Một yêu anh có may-ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa.
Nhiều năm sau khi đời sống bớt chật vật hơn thì:
Một yêu anh có Sen-kô
Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô.
Với tuổi trẻ bây giờ chưa từng trải qua thời kỳ bao cấp, khó khăn lắm để giờ đây chúng hiểu được câu chuyện như: “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” (xe Lơ là xe đạp Pơ-giô), rồi thì: “Mặt rỗ đi Lơ không bằng thằng gù đi Cúp“, “Thằng gù đi Cúp không bằng thằng cụt ngồi sập gụ“. Đó là những tiêu chuẩn sang giàu, những đỉnh cao mơ ước của người Hà Nội một thời bao cấp.
Vật lộn với cuộc sống khó khăn, con người càng thêm sáng tạo như lộn cổ áo, may vá trần pichkê quần, đổi ống quần trước ra sau, cuốn xăm cao su vào lốp xe, lộn xích xe đạp, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi chim cút, làm bia lên cơn, nấu rượu, hay bơm mực bút bi… Thời đó nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn, công nhân cũng nuôi lợn mà giáo sư cũng nuôi lợn, tầng trệt nuôi lợn mà tầng cao cũng nuôi lợn. Trong những khu tập thể vỏn vẹn 28m2 như Kim Liên hay Trung Tự, đã có những gia đình 2-3 thế hệ chung sống và chia sẻ không gian chật hẹp để có thể cộng sinh với gà và lợn; đời sống cam go đến mức chồng con có ốm thì uống thuốc còn khỏi chứ “thủ trưởng” lợn mà ốm thì thiệt hại về kinh tế không biết đằng nào mà lần! Khi được hỏi dạo này thế nào, sống được không? Giáo sư Văn Như Cương trả lời: “ Lợn nó nuôi tôi sống tốt !”.
Hàng ngày người dân xếp hàng mua gạo và thực phẩm thành hàng dài, phải dùng nón lá hay lấy viên gạch viết số sổ lên rồi đặt để xếp hàng thay, sợ nhất đến phiên mình thì hết gạo hay mua được rồi mà gạo lại có mùi ẩm mốc. Nhưng hãi hùng hơn cả chắc là việc mất sổ gạo – “mặt buồn như mất sổ gạo”là thế, mất rồi chỉ có nước đi vay gạo hàng xóm để đợi hết tháng cấp sổ mới.
Thời bao cấp, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương. Do đó, lo 2 bữa hàng ngày là công việc đau đầu nhất của các bà nội trợ. Họ chỉ thực sự yên tâm khi trong nhà đã đong được thùng gạo đầy, mua được mấy chai nước mắm và 1 lọ mỡ tương đối. Hàng ngày, những đứa trẻ phải đảo qua cửa hàng gạo, nếu thấy bán gạo ngon, độn mì sợi trắng thì lập tức nhảy vào xếp hàng, được một lúc gửi chỗ rồi chạy về thông báo cho bố mẹ ra mua, vì những hôm như vậy thì rất nhiều nhà đong gạo. Khổ nhất là phải ăn độn bột mì. Các bà nội trợ phải trổ tài chế biến thành nhiều món để ăn cho đỡ ngán, như bánh bao nhân su hào xào, bánh trôi nhân đường phên mật mía. Nhưng đó cũng vẫn là những món không phải nhà nào cũng có khả năng thực hiện. Đa số vẫn là nặn viên luộc, hoặc dàn đều bột đã nhào kỹ lên nắp nồi gang dày, rồi đặt trên bếp than để nướng,gọi là bánh nắp hầm (vì giống cái nắp hầm tăng-xê). Buổi sáng, trẻ con ra đầu phố ngóng xe rau của mậu dịch. Rau mậu dịch tuy già, nhưng 1 hào có thể mua được 4 – 5 mớ. Vừa nhặt vừa vứt cũng vẫn rẻ chán so với mua rau ngoài chợ.Cuống rau thì để nuôi ngan, gà hoặc lợn. Và chỉ những hôm như vậy mới được ăn một bữa rau xào thỏa thích. Mà nghệ thuật xào rau của các bà nội trợ thời bấy giờ cao siêu lắm! Trong lọ mỡ bao giờ cũng có 1 que đũa quấn miếng vải sạch.Nhúng que đũa vào lọ mỡ, rồi quét 1 lớp mỡ mỏng tang lên đáy chảo. Thế là có thể bắt đầu công việc xào, rán. Có bà còn khoe với nhau: “Hôm rồi tôi xào rau không cần mỡ mà cũng ngon đáo để!”. Mình đố các đầu bếp khách sạn 5 sao, hay mấy ông siêu đầu bếp trên tivi trưa thứ Bảy bây giờ làm được điều đó đấy.
Thời ấy, thịt là một xa xí phẩm. Phiếu nhân dân chỉ được 2 lạng thịt/tháng, chủ yếu để dành mua mỡ, nếu có mua thịt thì ai cũng muốn mua sườn hay chân giò vì được mua gấp đôi giá trị phiếu. Cũng may, hồi đó chưa có giống lợn siêu nạc nên thịt mỡ nhiều, đủ đáp ứng nguyện vọng của mọi người. Tóp mỡ thì được dùng để kho với chuối xanh, cao cấp hơn thì chấm với nước mắm cũng được một bữa tươi! Hôm nào mậu dịch bán cá biển ướp muối thì cả khu sôi nổi như ngày hội, vì đó là tiêu chuẩn bán thêm, cắt ô phiếu phụ. Cá tuy đã được ướp muối, nhưng khi kho vẫn phải cõng thêm nhiều muối nữa, không thì tốn lắm với những cái bụng ăn không biết cảm giác no của lũ trẻ mới lớn. Những hôm mưa dầm gió bấc, không đi chợ được, thì hành mỡ phi thơm lừng, rồi cho muối vào rang(muối mỏ hạt to như hạt ngô) làm thức ăn, cũng xong một bữa. Bây giờ, nhiều khi ngắm trời mưa sụt sùi, nhớ lại cảm giác cơm ăn với muối rang mỡ, cũng muốn thử chế lại món này nhưng lại sợ mọi người cho là chập cheng nên thôi.
Những nghề sáng giá thời đó phải kể đến nghề con phe (phe tem phiếu). Vì mọi thứ đều phân phối qua kênh mậu dịch thông qua tem phiếu khẩu phần, nên tất yếu xuất hiện việc mua bán tem phiếu, người ta phải mua của con phe để có tem phiếu cho vải vóc, dầu mỡ, lương thực, thậm chí nhỏ như cây kim sợi chỉ cũng buộc phải ra cửa hàng nhà nước để mua. Nghề mậu dịch viên nghiễm nhiên lên ngôi vua khi đó, nhà có cô mậu dịch viên thì cả họ được nhờ, hàng xóm thân tình cũng được lộc lây. Còn nhớ hồi ấy mình cò cưa được một em mậu dịch viên ở cửa hàng thực phẩm Thịnh Yên có quầy bán tiêu chuẩn bìa C, cứ hôm nào mua thịt là em lại cắt cho mình nguyên quả mông đã loại bỏ bì (bìa C được 1kg7 thịt/tháng). Có cá biển, đậu phụ ngon em đều chọn cho mình loại 1. Sướng thế.
Thời đó nghề giáo viên khốn khó vô cùng, đứng lớp không đủ nên phải làm việc kiếm thêm mà đời sống vẫn bí bách, có anh giáo dạy trường sư phạm, sau buổi lên lớp hoặc ngày nghỉ Chủ nhật về thuê cái xích lô chạy vài cua kiếm thêm vài đồng, hôm ấy thế nào lại gặp hai cô học sinh của mình gọi xe,ngượng quá chạy thẳng không dám chở, rất nhiều giáo viên đã phải bỏ nghề, nên mới có câu “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”. Người ta còn truyền miệng câu chuyện cười ra nước mắt, có bà mẹ vợ than với hàng xóm rằng: “Cứ tưởng nó lấy anh lái xe, ai ngờ nó lấy ông tiến sĩ. Thế có khổ không cơ chứ!”.
Cuối năm 1976 tuyến đường sắt Thống nhất Bắc Nam khai thông, sang năm 1977 bắt đầu đưa vào phục vụ chuyên chở hành khách Hà Nội – Sài Gòn với thời gian 4 ngày 3 đêm. Từ đây xuất hiện nghề mới là buôn đường dài Hà Nội– Sài Gòn và ngược lại, ngày ấy đi Sài Gòn phải có giấy phép, kiếm được tờ giấy phép không phải chuyện dễ dàng gì, lại đẻ ra một nghề nữa là buôn giấy phép,mình có anh bạn khéo tay, làm giấy phép Hà Nội Sài Gòn giả cực giỏi chỉ với một hộp chữ con chì (để in tipô) và cái chai vẽ con dấu lên hơ nóng lăn một phát là thành con dấu đỏ chót, mỗi giấy phép anh bỏ túi tiền trăm ngon ơ, cuối cùng đường dây bại lộ, anh bị bắt bỏ kho mất mấy năm.
Vì chính sách ngăn sông cấm chợ nên bất cứ thứ gì mang từ Hà Nội vào Sài Gòn và ngược lại cũng đều có lãi, người từ Hà Nội vào thì mang bột mì, thuốc tây, que hàn, dây mayxo, bàn là Liên Xô, giấy ảnh, phim ảnh…Người trong Sài Gòn ra thì mang gạo, mì chính, vải phin in hoa Chợ Lớn, vải saviot,pho gai, phụ tùng xe đạp, xà phòng, kem đánh răng Dạ Lan, cá khô… thôi thì đủ thứ hầm bà làng, thứ nào cũng có lãi, dọc đường vào qua ga Diêu Trì thì mua gạo, mua đường đến Bình Dương bán đã có lãi, chiều ra đến Quảng Bình là bán được rồi, chờ đến Thanh Hóa, Nam Định bán còn lãi hơn nữa…
Vì buôn tuyến Hà Nội – Sài Gòn có lãi nên nhiều người đi buôn, lại sinh ra mấy anh liên ngành Quản lí thị trường-thuế-công an bất cứ ai họ cũng có quyền kiểm tra hành lí, lật tung tất cả hành lí ra phát hiện ra cái gì là phạt thậm chí tịch thu, thế cho nên dân đi buôn kiềng mặt đội hình này lắm, hễ giữ lại kiểm tra đồ thì chỉ có nước móc hầu bao dí cho ít tiền (tùy thuộc vào lượng hàng hóa mang theo) là qua. Hồi ấy có câu: “Thị trường, phòng thuế, Công an / Trong ba thằng ấy vặt lông thằng nào/Vặt lông thằng thuế cho tao…”.
Ông anh mình dắt đứa con gái 4 tuổi vào Sài Gon chơi, kết hợp mang ít phim ảnh vào bán, phim ảnh được tháo bao bì ép gọn lại cho vào đáy túi, cuộn phim nhồi hết cả vào cái ănggo Liên Xô đưa cho con bé xách tòng teng,cứ thế đàng hoàng đi qua hết các cửa khám xét, lên tàu ngồi yên vị vào chỗ loay hoay thế nào đánh rơi cái ănggo, phim ảnh tung tóe ra sàn tầu đúng lúc đội liên ngành cơ động đi qua, bị phạt cho một phát hết cả vốn lẫn lãi.
Hồi ấy mình và H yêu nhau, còn nhớ lần mình đi Sài Gòn nghe mấy thằng bạn vừa ra nói ở trong ấy giấy giáp nước bán được lắm, mang vào mỗi tờ cũng lãi được 2-3 chục đồng, mình với H gom tiền lại mua được mấy trăm tờ để mình đi buôn, trước khi đi mình dặn vào trong ấy nếu được giá mình sẽ điện ra mua tiếp để gửi vào, còn nếu không được sẽ có ám hiệu riêng để đừng mua nữa.
Vào đến nơi đi tìm mối hàng để bán chả đâu nó mua, nếu có mua thì mỗi tờ giấy giáp lỗ 25 đồng. Mình toát mồ hôi, lo lắm, mà hồi ấy đâu có điện thoại như bây giờ, viết thư thì cũng vài tuần mới đến nơi, đành ra bưu điện đánh dây thép về, mà đánh dây thép thì cũng phải lựa chọn cân nhắc ít từ,ít chữ thôi, vì càng nhiều chữ thì càng nhiều tiền cước phí, lại nữa nội dung mà dính đến buôn bán là bị theo dõi ngay, thế cho nên văn đánh điện tín cũng phải cân nhắc kỹ lắm.
Nhà H ở trong ngõ, địa chỉ khó tìm, dễ thất lạc, thế nên mình đánh điện tín về nhà mình với nội dung “GIAPS CHEETS DDUWNGF THEEM NUWAX”(Giáp chết đừng thêm nữa). Hai ngày sau điện tín về đến nhà, mọi người nhận và dịch lại là: “GIÁP CHẾT ĐỪNG THĂM NỮA”. Nhận được điện tín cả nhà lo cuống cuồng không biết Giáp là ai, ba mình lục lọi trong bộ nhớ thì nghĩ ngay đến ông bạn thân từ thủa học trò ở quê tên Giáp, hôm sau lấy xe đạp đạp một mạch 70km về tận Kép – Bắc Giang để xem ông bạn mình đang mạnh khỏe bình thường tại sao lại lăn đùng ra chết? Về đến nơi, ông bạn vẫn khỏe, đi cày như điên, chết đâu mà chết. Rõ khổ.
Mấy ngày sau H đến, nhận được tin “GIAPS CHEETS” lặng cả người đi vì tiếc, lại xót cho ba mình chỉ vì cái điện tín mà phải đạp xe vừa đi vừa về hơn trăm cây số.
Chuyện về thời bao cấp thì còn nhiều lắm, nhưng bài viết đã dài, sợ bà con mỏi mắt nên mình dừng lại ở đây, bà con đọc rồi bổ xung thêm vào để câu chuyện một thời bao cấp này thêm phong phú nhé.
***Xem thêm: Cầu Long Biên với những ký ức, hoài niệm xưa
Tạ Trí
Em cũng phải đi xếp hàng mua lương thực với các loại bán theo tem phiếu bao nhiêu lần ý!
bọn em sinh sau đẻ muộn , nhưng cũng bị một thời gian dài đói khổ . Cuộc sống bắt đầu khá hơn bắt đầu từ những năm 90 .
Cảm ơn tác giả .
Đã đánh thức ký ức một thời .
Một thời gian lao, một thời vất vả!
Một thời để nhớ, một thời gian nan vất vả.
Ngày ấy mỗi lần đi xếp hàng tui thường xếp vài ba nốt để bán lại , 1hào hoặc 2 hào tùy vị trí.
Một thời để… sợ
Chả mỏi mắt gì đâu ạ! Đọc để hiểu cuộc sống trước kia, để trân trọng cái cần trân trọng. Cám ơn tác giả!
Đúng là thời cực khổ, mua dầu về thắp đèn thì sắp hàng cả buổi mới mua được, hết giờ xách đít về chiều sắp hàng tiếp…Đường cát là cực kỳ xa xỉ,thằng bạn nhà liệt sĩ được phưn phối 1 cân,dọc đường về lâu lâu nó nhón một tý bỏ miệng, mình thèm lắm mà nó đếch cho.. 😀
Cái thời thổ tả. Cơ mà cũng nhờ có nó ta biết trân trọng những thứ đang có hơn…
Thời bao cấp có câu:
Cái cứt gì cũng phân. Phân thì như cứt.
( mọi hàng hoá đều bán phân phối theo giá nhà nước qui định).
Năm 1986 là đáy của thời Thiên đàng.
quên mất “phân” với “cứt” để đưa vào bài cho phong phú. Thanks.
Đi vệ sinh cụng xếp hàng nữa các cụ ạ.nghĩ lại sợ thật đáng sợ ạ.
có thích truyện đi ỉa thời thổ tả không để mình đăng.
Dạ cụ xếp tg đăng cho bọn trẻ nó thẩm thời thổ tả ý mờ biết quý trọng thì hiện đại ợ.
Điện mật mã “Ông tỏi chết bà đường ốm nặng, cô ba ra đón cụ thọ vào ngay”
(4 ngày tàu vào Sg, tỏi mọc mầm, đường chảy nước… lỗ sặc. Hàng ra Bắc xà phòng cô Ba được giá, hàng vào thay bằng sữa ô Thọ)