Cầu Long Biên với những ký ức, hoài niệm xưa

Cầu Long Biên với những ký ức, hoài niệm xưa

Cầu Long Biên là cây cầu nổi tiếng ở Hà Nội, được Pháp xây dựng từ những năm 1898-1902. Cầu được bắc qua sông Hồng, nối liền 2 quận Long Biên và Hoàn Kiếm.

Trong bài viết này, kyuc.net xin được tổng hợp những chia sẻ ký ức về Cầu Long Biên từ nhiều tác giả. Qua đó, chúng tôi mong muốn gợi nhớ lại những kỷ niệm về Cầu Long Biên cho những ai đã từng có thời gian gắn bó với cây cầu nổi tiếng này. Cũng như giúp các bạn trẻ có thể hiểu, cảm nhận rõ hơn về Cầu Long Biên.

Cầu Long Biên

“CẦU ĐÔNG TÂY BẮC NAM ĐI”- MỘT BIỂU TRƯNG LINH HỒN CỦA HÀ NỘI

(Bài viết của Đặng Duy Hải)

Xưa thật là xưa, không biết tự bao giờ, trong dân gian, ông cha ta vẫn lưu truyền một câu nói chơi chữ khuyết danh tác giả, rất thú vị là “Cầu Đông Tây Bắc Nam đi” để nói về cây cầu Long Biên hùng thiêng, biểu trưng của Hà Nội một thời đạn bom, một thời hoà bình.

Cầu Đông, tên dân gian xưa của cầu Long Biên, có quan điểm cho rằng là một cái tên gọi ví von của cầu Long Biên, thật ra, nó một cây cầu cổ bằng đá bắc qua sông Tô (nay đã mất). Ngày xưa, nó nằm gần chợ Cầu Đông. Cầu Long Biên do người Tây (Pháp) bắc qua sông Hồng nên gọi là “Tây bắc”, người An Nam sử dụng nên gọi là “Nam đi”. Vì thế mới có câu “Cầu Đông Tây Bắc Nam đi” đồng thời câu nói đó đã chứa đủ 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Cầu do công trình sư, người thiết kế tháp Effel thiết kế nay đã hơn 100 tuổi thuộc vào hàng già nua, đại thọ, đang lẩy bẩy mà vẫn phải hứng chịu số phận lận đận long đong.

Một dạo, nhà nước định bàn tính đại tu toàn bộ theo hướng gần như thay mới cây cầu thân yêu. Chủ trương của Thủ Đô sẽ sửa chữa, đại tu, bảo tồn cây cầu với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng nhưng dự án có giữ lại được hay không cái kiến trúc, màu sơn, hình ảnh, đặc biệt là cái hồn của nó đã in sâu đậm vào tiềm thức của mọi người dân đang là vấn đề được bàn tán rầm rĩ nhất. Các nhà quản lý đang tham vấn các cơ quan chuyên môn để có phương án tối ưu nhất.
Cây cầu linh thiêng, linh hồn một thời hoa lửa của Hà Nội. Cây cầu là biểu trưng của Hà Nội linh thiêng và hào hoa. Hà Nội máu và hoa. Hà Nội một thời đạn bom, một thời hoà bình. Mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Cái biểu trưng ấy từng phải oằn mình gánh chịu trên lưng một phần lịch sử to lớn với bao mưa bom, bão đạn.

“Chiếc cầu ấy biết bao lần giặc phá
Không thanh sắt nào không vết đạn bom…”
(Xuân Quỳnh)

Vẫn biết việc tu bổ, sửa chữa, bảo tồn là trách nhiệm của những nhà quản lý nhưng ngoài việc làm tròn bổn phận của mình thì họ cũng cần thấu tỏ tình yêu của dân chúng đối với một di sản lịch sử, văn hoá linh thiêng vĩ đại. Dân chúng đang mong ngóng một quyết sách thấu tỏ lòng dân của các nhà đương cục, chức trách.
Mặc dù nay đã có nhiều cây cầu hiện đại tương xứng với tầm vóc Thủ Đô, thời đại nhưng sẽ chẳng cây cầu nào có thể “đóng thế” được vai trò của cây cầu Long Biên.

Từng có những câu thơ của các bạn trẻ, những tâm sự đáng mến, nếu một ngày cây cầu này mất đi:

“Long Biên biến mất!
Tôi thất tình!
Cả Hà Nội sẽ thất tình!
Người Pháp hay người Việt Nam rồi cũng đều thất tình đến ngây dại!”

Phải cứu biểu trưng linh hồn, ký ức của Hà Nội là điều tối quan trọng nhưng xin đừng vội vàng quá./.

***Xem thêm: Chùm thơ hay viết về cây cầu Long Biên (Hà Nội)

Cầu Long Biên
Trên cầu Long Biên (ảnh của Nguyễn Ngọc Hoàn)

CHIỀU LƯU THÔNG TRÊN CẦU LONG BIÊN

CẦU LONG BIÊN với hai làn xe đi ngược: Nhiều điều chắc chắn không nhiều người biết.
+ Hà Nội sang Gia Lâm đi bên trái cầu,
+ Còn từ Gia Lâm về Hà Nội đi bên phải.

NHƯNG CÓ PHẢI NGAY TỪ ĐẦU ĐÃ THẾ?
(Bài viết của L. Phương)

Bất chấp rất nhiều tranh cãi trong giới quan chức Pháp và bản xứ, cũng như không được sự ủng hộ của cả giới thương mại Bắc Kỳ, song ý tưởng xây một cây cầu lớn qua sông Hồng của toàn quyền Paul Doumer với những lợi ích vô cùng hấp dẫn, ngày 4-6-1897, chính quyền thuộc địa đã quyết định và tháng 11-1897, thủ tục đấu thầu đã được tiến hành có sự tham gia của 6 công ty với 8 dự án.

Ngày 7-11-1897 toàn quyền Doumer thành lập Hội đồng thẩm định gồm 6 thành viên, do Thống sứ Bắc Kỳ Augustin Julien Fourès làm Chủ tịch. Ngày 15-12-1897 đã diễn ra cuộc đấu thầu

Tiểu ban kỹ thuật 4 thành viên của Hội đồng thẩm định đã làm việc trong 15 ngày cuối tháng 12-1897 cân nhắc, so sánh mọi chi tiết của các dự án, từ các chi tiết kỹ thuật đến vấn đề giá cả. Hai dự án A của Công ty Levallois Perret với 5.387.540 frs và dự án B của Công ty Daydé & Pillé với 5.390.794 frs được lọt vòng chung kết.

Đi sâu nhận xét, so sánh, cuối cùng dự án B của Daydé & Pillé (2 kiến trúc sư Pháp Henri Daydé và Auguste Pillé) được đề xuất là “rất thoả mãn” (très satisfaisant), mặc dù có giá cao hơn và có thư kháng nghị của công ty còn lại. Ngày 30-12-1897, tiểu ban kỹ thuật của Hội đồng xét thầu đã quyết định đề nghị Toàn quyền Đông Dương chọn dự án của Daydé & Pillé, song Tiểu ban vẫn đề nghị Công ty Daydé & Pillé phải sửa đổi một vài chi tiết kỹ thuật.

Trên thực tế, đây là cây cầu thiết kế theo kiểu cầu có rầm chìa được Công ty Daydé & Pillé áp dụng lần đầu tiên cho cây cầu ở Tolbiac (Paris, 1879-1882), trên tuyến đường sắt Paris-Orléans. Thế nhưng cây cầu ở Pháp chỉ có 2 nhịp, với tổng chiều dài chỉ 168 m, còn cây cầu ở Hà Nội có tới 19 nhịp dài 2290 m trên sông (khoảng cách giữa hai mố cầu là 1.680 m, vừa đúng 10 lần cây cầu ở Paris, và tổng hai phần cầu dẫn hai đầu 610 m), đăt trên 20 trụ cao 43,5 m (cao 13,5m so với mức nước thấp nhất của sông Hồng).

Ngày 3-1-1898, Thống sứ Bắc Kỳ đã báo cáo kết quả xét thầu và đề nghị Toàn quyền chuẩn y chọn Công ty Daydé & Pillé với nhận định đây sẽ là một cây cầu chắc chắn, trang nhã hơn cả và số tiền 3.253 frs 40 là một khoản chênh lệch quá nhỏ để hy sinh cho một sự tiết kiệm không đáng kể so với lợi ích kỹ thuật của dự án Daydé & Pillé mang lại.

Sau khi trúng thầu, kỹ sư Saint Fort Mortier được ủy nhiệm làm chỉ huy công trình và vào lúc 16 giờ ngày 12-9-1898, viên đá đầu tiên đã được đặt tại một địa điểm bên bờ sông, trước sự chứng kiến của khoảng 50 quan chức Pháp, đồng thời nhiều cuộc vui chơi xung quanh Hồ Hoàn Kiếm đã được tổ chức suốt trong 4 ngày, từ 11 đến 14 tháng 9, với chi phí 20.000 đồng (bằng giá nửa bát phở năm 2018).

Sau 3 năm 5 tháng 16 ngày (kế hoạch là 5 năm), vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 28-2-1902, chuyến tầu đầu tiên 8 toa, có hai toa dành riêng cho vua Thành Thái và toàn quyền Doumer , 6 toa còn lại chở tùy tùng và các quan khách trong đó có cả vua Malaixia, đại diện triều đình Mãn Thanh… khởi hành từ ga Hà Nội tới đầu cầu làm lễ khánh thành trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ. (cầu hợp long, tức nối liền, vào ngày 3 tháng 2 năm này).

Như vậy cây cầu được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội trở thành cây cầu dài thứ nhì thế giới thời điểm đó – chỉ sau cầu Brooklyn (khánh thành năm 1883, dài 1825 m) bắc qua sông East-River ở New York của Mỹ.

Tuy vậy, phải tới ngày 8-4-1902 đoạn ga Hà Nội-Gia Lâm được chính thức đưa vào khai thác cho các phương tiện cơ giới và cùng năm 1902 tuyến Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Đồng Đăng cũng được khánh thành, 3 năm sau Hà Nội-Lao Cai đi vào hoạt động.

Khi thi công cầu, đã có hơn ba nghìn người Việt cùng khoảng 40 kỹ sư, chuyên gia và đốc công Pháp tham gia. Công ty Daydé & Pillé đã dùng hơn 30 nghìn mét khối đá và 6 nghìn tấn kim loại với tổng số tiền là 6.200.000 frs, vượt 300.000 frs so với dự tính ban đầu (300.000/5.390.794=5,56%).

Thoạt đầu, cầu có đường xe lửa chạy giữa, hai bên là đường cho xe cô và người đi bộ. Trong 10 năm đầu, chỉ người đi bộ, xe tay, xe đạp và ô tô nhỏ mới được phép qua cầu theo quy định là chiều bên phải như thông lệ, nghĩa là từ Hà Nội sang Gia Lâm lên cầu dẫn qua ga Long Biên nay, còn từ Gia Lâm sang thì xuống phía bến Nứa đầu Hàng Đậu. Ô tô tải, xe quân sự phải đi phà Cầu Đất.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, xe cơ giới, đặc biệt là xe tải được nhập vào Việt Nam nhiều hơn nên năm 1921, Công ty Daydé&Pillé lại được mời mở rộng 2 làn đường dọc theo hai bên cầu, mỗi bên lại chia thành phần cho xe cộ rộng 2m và phần vỉa hè cho người đi bộ là 1m. Sau lễ khánh thành phần mở rộng ngày 25 tháng 4 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương quy định: người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè theo chiều ngược lại với chiều của xe cộ. Tốc độ giới hạn cho phép xe khi qua cầu là 15km/giờ; cấm đốt rác và đốt lửa trên cầu; mỗi súc vật thồ hay kéo có người điều khiển đi cùng có thể qua cầu tất cả các giờ, còn nếu đi bầy đàn chỉ được qua cầu từ nửa đêm đến gần sáng…

Tuy vậy từ khi thông xe cho đến khi Pháp tạm chiếm đóng Hà Nội trở lại, xe cộ vẫn đi từ Hà Nội sang Gia Lâm theo thông lệ là bên phải cầu, còn từ Gia Lâm về vẫn bên trái cầu.

Nhưng thời gian này, các xe có tải trọng lớn hơn nhiều giai đoạn trước, lại chuyên chở nhiều hàng hóa vũ khí nặng có lẽ đã ảnh hưởng đến cầu nên chính quyền đã quyết định đổi chiều lưu thông: Hà Nội sang thì lên cầu dẫn bến Nứa đầu Hàng Đậu, về Hà Nội thì xuống qua ga Long Biên. Cách lưu thông này được duy trì cho đến nay!.

***Xem thêm: Cảm nhận về giọng Hà Nội xưa và nay

Cầu Long Biên

CẦU LONG BIÊN – CÂY CẦU NUÔI SỐNG TUỔI THƠ TÔI

(Bài viết của Quoc Cuong Nguyen)

Tôi không phải người Hà Nội. Nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở chính thủ đô ấy. Và hơn cả, tôi biết rõ cái gì là biểu tượng của đất Hà thành này. Hồ Gươm, chùa Một Cột, tháp Bút, đền Ngọc Sơn,… Đó, biểu tượng đấy. Nhưng tôi nhớ nhất chính là cây cầu Long Biên – cây cầu dẫn từ Hà Nội sang quê tôi.

Nhà nội tôi ở ngay gần cầu. Nội vẫn kể chuyện cho tôi nghe về cây cầu cả trăm năm tuổi ấy. Lúc nào tôi ương bướng không chịu ăn, nội lại nhẹ nhàng nói: ” Ăn nhanh bà dẫn ra cầu Long Biên chơi”. Ấy là những ngày cả gia đình tôi sống cùng nội. Bốn người một căn nhà trên con phố cổ mang tên Hàng Đậu.

Rồi đến ngày tôi bước những bước chân đầu tiên đi nhà trẻ, bố đưa tôi đi đến trường mỗi ngày, chỉ trừ thứ bảy chủ nhật. Tôi đã khóc, khóc hết nước mắt. Bố lại bảo: ” Đi học ngoan rồi bố dẫn ra cầu Long Biên chơi”.

Ngày vào lớp Một, mẹ nắm tay tôi dẫn đi trên vỉa hè đầy những viên đá lát đường đỏ hồng, đưa tôi ra bến xe. Bến xe của tôi, ngay dưới chân cầu Long Biên. Rồi cứ thế lên tận lớp Ba, đi đi về về, ngày nào tôi cũng được thấy cây cầu cũ kĩ đầy thân thương ấy. Có lúc chờ bà đến đón, tôi còn ngồi bệt xuống đất, ngước mắt lên nhìn từng dòng xe qua lại trên cầu, nhìn từng nhịp cầu mà cố in sâu vào trong tim.

Năm lên lớp Bốn, bố mẹ quyết định sẽ không ở cùng bà nội nữa. Tôi chuyển bến xe. Trên xe, tôi lại có những người bạn mới. Nhưng có những lúc ngồi trầm ngâm một mình, tôi không khỏi nhớ về người bạn tri kỉ từ ngày sinh ra của mình.

Cây cầu ấy, cây cầu đầu tiên được xây dựng để qua sông Hồng. Cái mục đích xây năm ấy, nào phải cho người Việt mình. Chỉ là để cho người Pháp thống trị. Có ai biết được, đã bao nhiêu con người Việt Nam đổ máu vì cây cầu? Có ai hiểu được rằng họ đã bị đày đoạ, khổ sai, đánh đập, để rồi chẳng có lấy một miếng cơm manh áo, chỉ đi mang vác từng vật liệu xây dựng để làm nên cây cầu vẫn còn đang đứng sừng sững như ngày hôm nay? Không ai cả. Chúng ta chỉ biết rằng, họ đã ngã xuống vì cây cầu lịch sử ấy, và chia buồn, cảm thông cho họ, căm hận lũ giặc Pháp ác độc.

Cây cầu xây suốt 4 năm ròng chỉ bằng lao động tay chân chứ nào có máy móc thiết bị gì đâu, xây bởi những người công nhân Việt Nam lại lấy tên Doumer – tổng thống của nước Pháp thời bấy giờ. Cây cầu với 19 nhịp 20 trụ được xây với biết bao khó khăn nhọc nhằn lại lấy tên ấy sao? Nhưng cây cầu cũng chính là biểu tượng của sự kiên trì bền bỉ giành lấy độc lập về tay mình, về lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Rồi cầu cũng bị đế quốc Mỹ tàn phá với 10 quả bom ném xuống, nhưng thật may mắn khi chúng ta vẫn đã có thể sửa chữa. Về sau, tên cầu đã được đổi lại thành Long Biên.

Ngày nay, ta vẫn nhớ đến cầu Long Biên cổ kính với bài thơ:
” Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…”

Tôi vẫn luôn ngồi nghĩ về người bạn của tôi như thế. Nhưng bây giờ tôi đã chẳng còn ở Việt Nam, ở đất Hà thành để mà ngồi bệt trên nền đất ngây ngốc ngắm nhìn cầu nữa. Tôi đã đi sang Úc để du học. Nhưng tôi vẫn mong, mong một ngày được về lại đất thủ đô yêu dấu, để rồi một lần nữa thôi, được thăm người bạn của tôi, người bạn – cây cầu nuôi sống tuổi thơ tôi.

***Xem thêm: Tổng hợp những bài thơ Hà Nội Mùa Thu hay nhất

Cầu Long Biên xưa
Khung cảnh Cầu Long Biên xưa (ảnh từ internet).

KẾT
Các bạn vừa xem qua những chia sẻ ký ức về Cầu Long Biên, cùng với đó là những tư liệu quý từ các tác giả. Nếu bạn có kỷ niệm nào về Cầu Long Biên, xin hãy cùng chia sẻ với kyuc.net ở phần bình luận bên dưới nhé!.

Theo dõi
Thông báo của
guest
21 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Travinh Nguyen
Travinh Nguyen

CẦU LONG BIÊN & HÀ NỘI
Cây cầu lịch sử gắn bó với HN hơn 100 năm trong buổi chiều muộn với vầng trăng khuyết. Hiện tại tình trạng của cầu cũng đang buổi hoàng hôn…Sống gần cầu từ thời thơ bé nhưng hình ảnh cây cầu khi chưa bị tàn phá bởi bom đạn của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại đọng lại trong tôi không nhiều lắm vì còn bé quá… Nhưng những năm cuối của Thập kỷ 60 thế kỷ trước khi mà cây cầu trở thành trọng điểm của cuộc chiến thì tôi còn nhớ về nó với nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng không quên được …

Lại lãng đãng với quá khứ một chút. Những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ thật ác liệt. Cầu Long Biên bị đánh phá dữ dội, Thời đó từ tả ngạn sông Hồng sang hữu ngạn của sông chỉ có duy nhất cầu này còn lại là các cầu phao, bến phà. Từng đoàn xe vận tải xếp hàng nối nhau qua cầu phục vụ cho cuộc kháng chiến. Thời ấy giao thông mà có con đường “rộng thênh thang tám thước” ( Thơ Tố Hữu) là lý tưởng lắm rồi. Mà Cầu Long Biên lại có đến 2 luồng xe cơ giới, 1 đường xe Lửa thì quá là lý tưởng. Vậy mà nhiều khi xe ùn lại chiếm cả chiều dài cầu. Hồi ấy khi cầu tắc, các bạn Nữ học cùng lớp (Trường cấp 3 – Nguyễn Gia Thiều A) là dân Bãi Giữa – Thôn Trung Hà đi học qua cầu kể lại khi qua cầu mỗi cô gái (đang tuổi dậy thì mơn mởn ấy) thường phải thủ sẵn một cây roi làm từ cành cây dâu nuôi tằm bạt ngàn trên bãi để đánh thức các cái tay buồn ngủ (nghịch ngợm) của cánh tài xế bỏ vô lăng vật vờ thò ra khỏi cửa cabin xe! …

Trong cuộc chiến với Không quân Mỹ, cầu Long Biên sừng sững kiên cường, tôi còn nhớ ngoài các trận địa pháo phòng không 100 ly, 37 ly bố trí phía thượng lưu và hạ lưu hai bờ sông Hồng (với trung tâm bảo vệ là cây cầu) còn các Tầu Hải quân đỗ dọc sông nữa và đặc biệt hơn cả là trên nóc cầu có bố trí các trận địa súng máy cao xạ 12 ly 7. Các khẩu súng này được đặt trên các sàn do ta thiết kế, hàn lắp tạo nên, và phải chăng đây cũng là tinh thần truyền thống cảm tử của quân dân Hà Nội từ thời mở màn cuộc kháng chiến chống Pháp của cha ông ngày xưa… và tàn tích của chiến tranh còn đó, Cầu Long Biên gãy, còn nham nhở với các vết sẹo sau chắp vá sửa chữa sau mỗi trận đánh, chỉ còn vài đoạn còn nguyên vẹn bên ngoài như trên tấm ảnh này…

Thời ấy, không chỉ người lớn bám trụ, mà cả bọn học sinh chúng tôi cũng vậy, gọi là sơ tán quẩn quanh chứ không phải dời xa Hà Nội được hết. Trường PT cấp 3 Nguyễn Gia Thiều A của bọn tôi hồi đó sơ tán chuyển từ Thị Trấn Gia Lâm lên Xóm Soi thôn Bắc cầu (nơi sông Hồng rẽ sang sông Đuống) chỉ cách cầu Long Biên theo đường chim bay có lẽ hơn 1 cây số thôi (còn đủ cho một tầm bom lạc nếu máy bay Không quân Mỹ thả vội vàng…). Bọn học sinh chúng tôi vẫn ở nhà hay dạt sơ tán xa xa một tý còn khi đi học vẫn theo cầu (bọn ở bãi giữa) rồi cùng bọn ở trong đê đi học theo đường đê chui qua gầm cầu và phải đi qua đến 2 trận địa pháo PK để đến trường, nhiều khi cong đít lên mà chạy khi máy bay Mỹ đến…

Thế mà ở cái tuổi mới lớn ấy không nói bọn con gái đã như các chị bọn con trai mới lớn chúng tôi đã biết rung động thơ ngây khi nhìn những đôi chân đi dép nhựa Tiền phong trắng hồng của các bạn nữ để mấy chục năm sau mới dám thổ lộ qua bài thơ:

GÓT SEN !
Thời chiến tranh …sơ tán .
Bọn học trò chúng tôi…
Vẫn vậy
Trộm ổi ven đê
Hái dâu ngoài bãi…
Ríu rít.
Quên rằng bom còn rơi..
Đạn phòng không vẫn nổ.
Cũng lâu rồi thời ấy…
Không hiểu sao vẫn nhớ
Đôi gót chân ai… để trần..
Trắng hồng và mạnh mẽ
Trên triền đê … thi đi nhanh lúc về…
Ừ! Nỗi nhớ về bạn tôi
Tuổi dậy thì tươi trẻ.
Nụ cười hồng đôi môi.
Gót Sen hồng mạnh mẽ …
HN – 3/2008

Thanh Tinh Ha
Thanh Tinh Ha

Một kỉ niệm Cầu Long Biên của tôi!Năm1952 ,tôi đèo Mẹ từ gia lâm về HN ,vì tôi đi ngược chiều ,đáng lẽ đi bên tay phải , tôi lại đi bên trái,đi gần hết cầu thì tôi bị người ta đụng vào tay ,bị ngã ,mẹ tôi rơi xuống sàn cầu ,mẹ nặng gấp đôi tôi ,mẹ sợ quá ,mẹ nói suýt suýt nữa thì mẹ rơi xuống sông!còn người kia vượt đi nhanh,mẹ bảo tại nó thấy con xinh đẹp ,nó ghẹo con đấy,tôi nói, tại con đi trái đường,

Hoang Quynhanh
Hoang Quynhanh

Cây cầu này.trên 100 tuổi mỗi ngưỡi đều có mốitinhf riêng.còn tôi mối chiều thứ7 dắt cái xe đạp Junior xuống cầu để về nhà thì mừng vui lắm còn đến chiều chủ nhật phải quay lại trường thì lại luyến tiếc vẩn vơ.

Tuyết Tâm Nguyễn
Tuyết Tâm Nguyễn

Cầu Long biên tôi cũng nhiều kỷ niệm ngày còn nhỏ + sơ tán học tại trường PTC3 Tiên du HB . Cái luật riẻng khi qua cây cầu này là “ĐI TRÁI , VỀ PHẢI “, thời đó ko kẹt xe ,ôtô & xe đạp tự ý nhường nhau, vì trên cầu cách từng đoạn ko dài lắm có khoảng rộng bên trái song chắn cầu , mọi ng đi xe đạp , nếu trước ôtõ đều tạm né chỗ í dừng ,chờ ô tô qua hết mới tiếp tục đi . Sướng nhất là vượt hết 3km cầu chiều đi , xe đạp chúng tôi vùn vụt lao xuống dốc 😀 Mệt nhất chiều về , vì đi 1 thôi đường trường , đã mỏi thì chớ , phải “ dắt “ xe đạp lên dốc bở hơi tai 🙁 . Nhưng mừng vì được phi trên cầu để về nhà với ba má !
Cảm ơn tác giả về bài viết & hình ảnh cây cầu Long biên lịch sử !

Lam Tung Tung
Lam Tung Tung

Tôi lớn lên đã được học trong sánh giáo khoa : ” Hà Nội có cầu Long Biên . Vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng.” Trong tài liệu sách báo cũng nói nhiều hai tiếng cầu ” Thăng Long”. Tôi học tập và làm việc ở Hà nội gần 20 năm. Tôi đã đi lai trên cầu không biết bao nhiêu lần. Chưa kể suýt chết do nhảy tàu ( thời sinh viên) . Đây là lần đầu tiên nghe tác giả nói đến cầu Thăng Long còn có tên: “Cầu đông tây bắc nam đi”. Lạ quá ha.

Trần Khải Hoàn
Trần Khải Hoàn

Cây cầu gắn liền với tuổi thơ tôi và biết bao bạn trẻ Hà nội . Hãy gia cố nó cho tốt hơn để giữ gìn . Nó là bảo vật của Hà nội . Nó đã chứng kiển sự thịnh , suy và thăng , trầm của Hà nội . Hãy bảo vệ nó lâu dài . Dù có xây những cây cầu hiện đại gấp nhiều lần , thì trong mắt tôi cầu Long biên vẫn là số 1 của Việt nam

Nguyễn Đạt Quý
Nguyễn Đạt Quý

Nếu nói về thẩm mỹ: cầu đẹp! nói về vị trí: hợp lý! nói về kinh tế:100 năm! Nó là lịch sử!?

Nguyễn Lâm
Nguyễn Lâm

Tôi thích những gì cổ kính ông cha đã xây dựng thế hệ trẻ phải trân trọng giữ gìn tài sản quốc gia nhờ bạn tôi được thấy và nghe ký ức cầu.Long Biên thanks bạn

Thi Dung Nguyen
Thi Dung Nguyen

Ngày trước đi đâu xa về, cứ về đến cầu Long Biên là thấy về đến nhà. Giờ đi qua những cầu mới xây không còn cảm giác đó nữa.

Lan Thuy Vuong
Lan Thuy Vuong

Điểm nổi bật của cây Cầu này ngoài hình dáng đẹp nhẹ nhàng thanh thoát, là về Kỹ thuật các mối ghép của các thanh Cầu được nối với nhau bằng các “Đinh River” đủ lớn và đủ khỏe ….

Le Tuấn
Le Tuấn

CẦU LONG BIÊN – NƠI TÔI HAY DỪNG LẠI.
Cũng như nhiều người con của Hà Nội, tôi có nhiều kỷ niệm với cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Từ 6, 7 tuổi tôi đã được cùng người lớn đi qua cầu Long biên chủ yếu là bằng ô tô và tàu hỏa. Qua khung cửa sổ của tàu của xe, những thanh sắt to cao của cầu Long biên cứ loang loáng, loang loáng trôi nhanh, trôi nhanh. Lúc đó tôi có ý nghĩ không biết lúc nào mình được đứng trên cầu để đếm nhịp cầu, để ngắm sông Hồng với dòng nước chảy đỏ nặng phù sa. Đến năm 1965 đi sơ tán, ngồi trong chiếc xe khách đông nghẹt người , sang bên đê phía Gia lâm rồi mà cứ ngoái đầu nhìn lại thương nhớ cầu Long Biên.
Thế rồi, tháng 3-1967 lần đầu tiên máy bay Mỹ ném bom xuống cầu Long Biên. Sau nhiều lần ném không trúng cầu, cuối cùng sử dụng bom điều khiển bằng lazer mới đánh trúng 2 nhịp cầu về phía Gia Lâm. Và từ đó đến cuối năm 1968, đã có 7 nhịp và 4 trụ lớn của cầu Long Biên bị đánh hỏng . Khoảng giữa năm 1968, có một lần tôi đi xe đạp từ chỗ sơ tán về Hà Nội. Ngày đó, qua sông Hồng ngoài cầu Long biên còn có cầu phao Chương dương, tôi chọn đi qua cầu Long biên với mục đích xem chỗ cầu bị bom đánh và đến xem cầu Long biên có bao nhiêu nhịp?
Về đến cầu Long biên đã chiều muộn gần tối, những nhịp cầu bị đánh găy lúc đó tạm khắc phục bằng nhiều ván gỗ ghép dọc để người và xe đi qua. Chắc là đầu óc mải tập trung đếm nhịp cầu nên bất ngờ bánh xe đap của tôi bị tụt xuống khe giữa hai ván gỗ, bánh sau bị tung lên suýt hất tôi xuống sông. May mắn, tôi và một vài người đi đường chứng kiến sự việc này đều hoảng hốt và sau đó cũng chỉ biết nói là: “May mắn” . Sau đó tôi được cảm nhận trang thái “ chân đạp, tim run” khi đạp xe đạp về đến tận nhà. Thế là mới được tận mắt chứng kiến chỗ cầu bị gãy nhưng vẫn chưa biết cầu Long biên có bao nhiêu nhịp!
Hôm sau – không nhớ là có việc gì đó – mẹ tôi và tôi đến nhà ông bà nội chơi. Tất nhiên, sự cố kẹt bánh xe trên cầu LB tôi tuyệt đối không kể với ai, nhưng vẫn cay cú việc không đếm được cầu long biên có bao nhiêu nhịp, nên quyết định ra hỏi ông nội.
– Ông nội ơi, ông biết cầu Long biên có bao nhiêu nhịp không ạ?
– Ông biết cầu Long biên có 19 nhịp cầu và 20 trụ cầu!
– Sao ông biết và nhớ thế! Hay là ngày trẻ ông đi bộ qua cầu để đếm?
– Như cháu biết, cầu Long biên – xây dựng năm 1899 và hoàn thành năm 1902. Khi khánh thành cầu Long biên thì ông bằng tuổi cháu bây giờ, ông cũng muốn biết cầu này có bao nhiêu nhịp. Ông đến lớp hỏi thày giáo, thầy giáo của ông nói: “Thày đã đọc tài liệu và biết rõ các số liệu về cây cầu Long biên này. Với các em chỉ cần nhớ cầu LB xây từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 là ta nhớ cầu có 19 nhịp và 20 trụ”
– Ôi hay quá ! Cháu ghi nhớ ngay và chắc là cháu nhớ đến già! Cháu cám ơn ông!
Thời gian trôi nhanh quá, thấm thoắt bây giờ tôi đã làm ông nội của mấy đứa cháu. Ngoài những lần có việc đi lại qua cầu, nhiều buổi tôi cũng chủ động đi lên cầu Long biên và dừng lại ở mấy nhịp cầu làm lại sau thời bị bom Mỹ đánh gãy. Tôi dừng lại, ngắm cầu Long Biên , ngắm nước sông Hồng, ngắm người qua lại, nhớ về những kỷ niệm xưa và nhớ ông nội tôi.

Phạm Lệ Hà
Phạm Lệ Hà
Trả lời  Le Tuấn

Nhớ thơ của Vũ Quần Phương về cầu Long Biên:
Thuở bé đi qua tôi đã thấy sơn cầu
Chiếc cầu dài như mười năm đi học
Sơn được đầu này thì đầu kia sơn róc
Những người thợ treo mình và sơn!

Chu Truong Thach
Chu Truong Thach
Trả lời  Le Tuấn

thực tế thì đúng là 19 nhịp (9 chẵn và 10 lẻ), song chỉ có 18 trụ, còn lại là 2 mố đầu cầu. Cảm ơn bạn đã chia sẻ nhiều kỷ niệm thú vị.

Le Tuấn
Le Tuấn
Trả lời  Chu Truong Thach

Cám ơn bạn đã nói chi tiết thêm. Nói 20 nhưng chi tiết là 18+2

Ngoc Bich
Ngoc Bich
Trả lời  Le Tuấn

Anh đã viết rất hay về cầu Long Biên những năm tháng chiến tranh. Cây cầu gắn bao kỷ niệm của những người từng đi qua. Bây giờ nhìn lại vẫn xúc động anh ạ

Quoc Chien Hoang
Quoc Chien Hoang
Trả lời  Le Tuấn

Cám ơn Lê Tuấn về những kỷ niệm với cầu LB. Còn với mình lúc 6 tuổi đi bộ với hai chị gái của mình qua cầu LB tới những chỗ có đoạn hở giữa các ván gỗ ghép là sợ ko dám nhìn xuống dưới, hãi….

Thành Sơn Trương
Thành Sơn Trương

TẢN MẠN LONG BIÊN

Đọc Xứ Đông dương (L’Indo-Chine francaise) của Toàn quyền Đông dương giai đoạn 1897-1903 Paul Doumer (người mà năm 1932 lên làm Tổng thống Pháp) thấy nhiều điều thú vị. Ngoài cách nhìn, lối hành xử của một người thực dân đối với xứ thuộc địa thì những điều khác quả đáng nể trọng. Chỉ riêng việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam có thể nói người Pháp xây dựng từ đầu và đến nay vẫn là chủ đạo: Hệ thống đường bộ, đường sắt, nhà ga, bến cảng, điện, nước, thông tin liên lạc… Hệ thống đường sắt sau khi thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến nay gần như vẫn … nguyên xi từ thời người Pháp xây dựng, từ các hầm xuyên núi đến các cầu vượt sông. Thế mới biết công lao của họ thế nào. Giờ có hơn chục km đường sắt trên cao từ Hà Đông đến Cát linh phải cãi nhau chí tử, đội vốn gấp mấy, chậm tiến độ mãi và vẫn phải sử dụng công nhân Trung Quốc.

Để có được những công trình ấy, người Pháp đã khảo sát, quy hoạch và xây dựng liên tục ròng rã cả trăm năm bằng đội ngũ nhân công của chính Việt Nam được Pháp đào tạo. Riêng về tài chính, đương nhiên phải là “mỡ nó rán nó” nên sưu cao thuế nặng người dân Việt Nam phải chịu, nhưng giờ chúng ta “độc lập – tự do” thuế vẫn nặng mà có khá hơn đâu. Hầu hết các công trình ngày nay xây dựng đều bằng vốn ODA và hầu như vẫn phải có chuyên gia nước ngoài thậm chí công nhân nước ngoài.

Nổi bật nhất trong sự nghiệp của Toàn quyền Đông dương giai đoạn 1897-1903 Paul Doumer là cây cầu mang tên ông mà bây giờ gọi là Long Biên. Bây giờ qua sông Hồng đã có hàng chục cây cầu từ Trung Hà đến Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Thanh Trì, … nhưng thời cuối thế kỷ 19 thì một cây cầu Long Biên đã mang tầm thế giới rồi.

Ngày nhỏ, đạp xe qua cầu Long Biên tôi lâng lâng như được du hành vũ trụ, về quê kể cho bọn bạn nghe hàng chục lần vẫn chưa chán. Sau này đi nhiều nơi, qua hàng trăm cây cầu lớn hơn Long Biên nhưng chẳng bao giờ tôi có được cảm giác như ngày ấy.
Cần có cách nhìn công bằng với bọn thực dân Pháp nhể.

Viet Thang
Viet Thang

Đọc cuốn sách này em thấy đau buồn nhất là kể về nạn đói do thiên tai ở Trung Kỳ, gạo được chuyển từ Nam Kỳ giàu có ra mà giao thông không có phải chất kẹt ở Đà nẵng.
Toàn quyền Pôn Đu me phi ngựa vào được đến nơi cũng chỉ có thể nhìn người dân chết đói. Thật thương cho đất nước ta không thể nào cầm lòng cho được 🙁

Công cuộc xây dựng cầu Long Biên cũng là một câu chuyện hấp dẫn, thoạt tiên người An Nam ta tưởng người Pháp xây cầu qua sông Hồng, một con sông đáng sợ trong tâm tưởng người Nam, rộng và sâu như biển, thì là bọn này bị điên.

Chỉ một trăm năm trước đây thôi, nước ta thật sự còn quá đói, quá khổ và yếu. Thương lắm!

Hoàng Hồng Viễn
Hoàng Hồng Viễn

Không có Pháp nói thật là đến mãi năm 7x việt nam mới biết đến xây dựng kết cấu nhà cứng được( Liên xô hỗ trợ) nếu không thì khắp miền bắc vẫn đa phần là nhà tranh vách đất. Tất cả cơ sở hạ tầng từ nam ra bắc đều có dấu ấn người pháp hết. Mĩ chỉ đến phá và duy trì bảo hộ với VNCH là chính. Ít xây dựng. Còn ở ta thời kỳ sau này những năm cuối 9x đầu 2k Vinaconex mới đi đầu trong công nghệ xây nhà cao tầng. Tóm lại: phát triển quá chậm.

Phương Nhã Ca
Phương Nhã Ca

Tất nhiên nước Pháp cũng vì lợi ích của mình. Nhưng một nước văn minh tột bậc như vậy, dù muốn hay không, cũng đã đưa đến cho nước Nam những tiến bộ về cả vật chất lẫn tinh thần. Còn tiếp thu và đối xử với nó như thế nào là do chúng ta. Không phải nhất nhất cái gì cũng đổ lỗi cho nước Pháp. Người Nhật tiếp thu văn minh nhân loại và đã vượt thác thành công. Người Việt Nam cũng nên tự xem lại mình.

Hung Quoc Le
Hung Quoc Le

Trong hệ thống đường sắt bắc nam không thể không kể đến tuyến đường sắt Phan rang Đà lạt. Một tuyến đường sắt leo núi với độ dốc lớn để làm được tuyến đường này ngoài sự vất vả trong việc xây dựng thì nó còn là một tuyệt tác trong ngành giao thông mà các kỹ sư người pháp đã nghĩ ra, tuyến đường được thiết kế theo kieut răng cưa để mỗi lần đoàn tàu nhích lên một đoạn là ko bị trọng lực kéo lùi lại đó là một công trình độc nhất trên thế giới. Sau khi đánh cho mĩ cút đánh cho nguỵ nhào thì không hiểu lý do gì chính quyền nhân dân đã gỡ tuyến đường sắt đó ra và bán đồng nát, cuối cùng đống sắt vụn ấy được thuỵ sĩ mua lại để lắp ráp thành tuyến đường sắt vượt dãy an phơ hùng vĩ và đương nhiên đó vẫn là một tuyến đường sắt độc đáo nhất thé giới.