“Ai Khúc đê ê ê ê ê ….”
Tiếng rao của chị bán bánh Khúc vang lên giữa buổi sáng se se lạnh khiến tôi nao lòng nhớ lại món bánh Khúc mẹ làm ở quê mỗi khi rảnh rỗi!
Cứ mỗi độ cuối Đông lúc cánh đồng đã gặt trơ gốc rạ và cạn nước là những cây rau Khúc nếp đua nhau mọc. Chị em chúng tôi mấy đứa trẻ hiếu động tới ngày được nghỉ học là tay cắp chiếc rổ tre tung tăng theo mẹ ra đồng hái rau Khúc về làm bánh. Mẹ bảo rau Khúc nếp thơm nên làm bánh mới ngon.
Hít một hơi thật mạnh tận hưởng cái không khí trong lành nhưng lạnh buốt của cánh đồng rộng mênh mông. Chúng tôi cúi lượm rau vào rổ. Từng cây rau Khúc non mỡ màng vươn xòe ra khẽ rung rinh nhè nhè theo làn gió. Rau Khúc thường cao lớn hơn cỏ nên rất dễ phân biệt. Thân cây rau Khúc mềm mại và trên ngọn điểm những chùm nụ hoa tròn hơi nâu trắng nhạt. “Nhẹ tay nhổ kẻo nát cây”. Mẹ nhắc nhở lũ trẻ chúng tôi. Cánh đồng ngày cuối Đông lạnh lắm nhưng cây rau Khúc vẫn có sức sống mãnh liệt. Màu xanh hơi thẫm hơn khác hẳn cỏ và Chua me đất. Chúng tôi hớn hở chạy nhảy nô đùa hái rau, nhổ cây Chua me phủi phủi rồi cho vào miệng ăn luôn chả lo đất cát bám bẩn gì cả. Vị chua dịu thanh của cây Chua me ngon lắm ý. Hương của rau Khúc tươi thơm hăng hăng đặc trưng. Chúng tôi chả biết lạnh là gì vì nghịch ngợm nhảy nhô nóng cả người. Cái lũ chim Sẻ đồng chẳng chịu đi di trú cũng bay lượn trên không trung chí chóe tìm mầm thóc rơi sót lại và thi bắt Cào Cào Châu Chấu cùng chúng tôi. Vui ơi là vui nhưng tới lúc mẹ gọi về!
Mỗi đứa một việc. Bọn tôi nhanh chóng cho gạo nếp đã ngâm vào cối xay, đứa rửa rau Khúc đủ dùng cho mẻ bánh rồi giã lấy nước. Còn lại mẹ đem phơi khô rồi gói vào mấy lớp lá chuối cũng héo để gần bếp nhưng tránh ám khói làm bánh rau Khúc khô khi đã hết mùa rau tươi. Hì hục vắt bột hấp đỗ rồi cũng được nhào nặn. Màu xanh của nước lá rau Khúc trộn lẫn với bột. Mẹ véo từng miếng bột xanh nhạt cho chúng tôi xoe tròn rồi bẹt rộng ra cho nhân đỗ xanh vào . Ngày đó làm gì có thịt ba chỉ mà làm nhân đâu. Vo bột cho tròn bọc kín đậu xanh mẹ lăn qua gạo nếp cũng ngâm rồi cho vào chõ bắc bếp để hấp.
Háo hức lắm khi ngọn lửa mẹ cời, chúng tôi tranh nhau chu mỏ thổi phù phù để nhen lửa, rồi ngọn lửa đã bập bùng với làn khói cay cay. Chúng tôi ngồi quanh chờ bánh chín, xoa xoa tay hơ lên gần lửa cho ấm. Chị em xô đẩy chí chóe tranh nhau ngồi canh lửa. Cái niềm vui sắp được ăn của bọn trẻ háu đói và ít được ăn miếng ngon. Có khi chúng tôi vùi thêm mấy củ khoai dưới than để chén trước. Ôi chao nó ngọt tới tê đầu lưỡi!
Chõ bánh mẹ hấp đã bốc hơi bay nghi ngút một lúc lâu lắm rồi. Chúng tôi giục mẹ cho nếm thử …. Chưa được… Chờ tý nữa… Thời gian sao chậm thế không biết… Thèm ơi là thèm!
Rồi cuối cùng bánh cũng chín. Mẹ ngửa cái sàng ra giữa bếp rồi đặt những miếng lá chuối nhỏ so le lên. Mẹ gắp từng chiếc bánh nóng hổi đặt vào giữa lá chuối rồi chia cho mấy chị em tôi. Đang lúc đói và thèm tôi cắn một miếng ngập chân răng… Bỏng… Hà hà hà .. Thổi hơi nóng ra hít mùi vị vào mũi và nhai nuốt vội vàng… Miếng bánh thơm ngon tôi không thể quên với gạo nếp dẻo, bột trộn nước lá rau Khúc và nhân đỗ xanh thơm thơm của vị rau Khúc , ngòn ngọt của đỗ và mùi Gạo nếp hoa vàng khiến tôi không sao tả được.
Hết mùa rau Khúc tươi, những khi mưa rét nàng Bân mẹ đem rau khô ra ngâm rửa sạch thái rồi để trộn lẫn đỗ xanh làm nhân chứ không giã lấy nước. Bánh Khúc khô có hương vị nồng đậm hơn Khúc tươi vì được ủ trong mấy lớp lá chuối hong khô lâu ngày.
Tôi đã xa nhà mấy chục năm. Nhưng mỗi khi nghe tiếng chị bán hàng rao “Khúc đê ê ê ê ….” luôn làm tôi nao lòng. Dẫu bây giờ bánh Khúc Hà Nội có thêm thịt ba chỉ xào nhưng tôi vẫn nhớ món bánh Khúc mẹ làm khi xưa !
Món bánh gắn với tuổi thơ nghèo đói và chúng tôi coi đó là món đặc sản từ tay mẹ yêu của tôi làm!
Thu Vân
Các bạn vừa xem qua bài viết hoài niệm “Bánh Khúc Mẹ Làm” của thành viên Thu Vân. Để gợi nhớ lại, cảm nhận và hiểu biết rõ hơn về Bánh Khúc, kyuc.net xin tổng hợp những chia sẻ khác về chủ đề Bánh Khúc từ các thành viên ở bên dưới nhé!..
BÁNH KHÚC (Bài viết thành viên Ngoc Tran Hong)
Ở Hà nội thì chuyện ăn bánh khúc là bình thường, mùa nào cũng có, Hà nội có bánh khúc Quân và bánh khúc cô Lan là nổi tiếng, những chiếc bánh tròn vỏ bánh dẻo, dai, thơm mùi lá rau khúc, nhân bên trong có vị bùi của đậu xanh, ngậy của thịt mỡ, thơm hạt tiêu, đậm đà vừa ăn tạo nên một hương vị rất ngon và rất riêng của bánh khúc, món quà dân dã nhưng chế biến lại rất kỳ công.
Trước đây chưa có tủ đông thì dân quê ngoại thành chúng tôi chỉ được ăn bánh khúc vào mùa cuối đông sang xuân, khi có mưa xuân rơi xuống là ngoài đồng rau khúc mọc lên, tuy vậy gạo nếp, đậu xanh thịt không phải lúc nào cũng sẵn có vì vậy bánh khúc lúc bấy giờ vẫn là món ăn cao cấp đối với chúng tôi, đôi lúc vì thích quá nên chúng tôi tự làm lấy.
Việc xay bột thì đơn giản, kiếm rau khúc càng đơn giản hơn nhưng việc chế biến nhân bánh phải thật khéo, sao cho đậu xanh đã đồ chín, giã nhỏ và thịt lợn chọn chỗ vai gáy hay ba chỉ mỡ nhiều hơn nạc, thái nhỏ ướp hạt tiêu và nước mắm cho ngấm sau đó xào lên cho quyện vào nhau vừa ăn, dậy vị, lá khúc luộc xong phải nhặt hết xơ mới giã nhuyễn, bột gạo , rau đã giã nhuyễn trộn cùng nước luộc lá khúc sao cho thật đều, nhồi bột thật dẻo và khô tay sao cho lúc hấp bánh không vỡ, khi nặn bánh xong phải lăn qua rổ gạo nếp đã ngâm để cho hạt gạo bám vào xung quanh thành vỏ áo, nếu thích nhiều xôi thì cứ xếp 1 lớp bánh khúc, một lớp gạo mỏng vào chõ xôi, đồ lên, lúc chờ bánh chín có lẽ thời gian hồi hộp nhất, háo hức nhất chứ lúc ăn thì 1 cái là chán ngay rồi.
Ngày xưa là vậy, thèm ăn bánh khúc cũng phải chờ cả năm trời, nếu trái vụ mà có bánh thì bà lại nói là ” bánh su hào chứ mùa này làm gì có lá khúc” bây giờ đơn giản quá, muốn ăn thì mất hơn chục nghìn là có ngay, không phải chờ nhưng cứ mỗi lần cầm cái bánh lên lại nhớ các cụ ngày xưa và cảm thấy có chút cảm giác có vị lành lạnh của mùa đông ngày nào.
***Chủ đề khác: Cầu Long Biên với những ký ức, hoài niệm xưa
ĐI TÌM HƯƠNG BÁNH KHÚC HÀ NỘI (Bài của Lam Nguyen)
Bánh khúc một món ăn bình dân nhưng rất đặc trưng Hà nội, nó làm siêu lòng biết bao thực khách, chỉ một lần thưởng thức thôi sẽ luôn nhớ mãi, cái hương vị thơm rất riêng của rau khúc và hương thơm vị nếp ngạt ngào hòa quyện cùng chút mỡ lơn tạo nên một dư vị khó quên với những người đã từng được nếm và sẽ nao lòng nhớ về bánh khúc mỗi khi trời se lạnh.
“Ai bánh khúc đây…ai bánh khúc nào…” – tiếng rao quen thuộc ấy gắn liền với tuổi thơ của biết bao người Hà Nội. Để làm nên chiếc bánh khúc đơn sơ đó tưởng dễ mà lại thật khó. Nguyên liệu chính làm nên bánh khúc tất nhiên sẽ là lá rau khúc. Tìm được loại cây khúc đúng chuẩn để làm bánh, vì thường cây khúc chỉ mọc tự nhiên chứ không được trồng cố định bao giờ. Tôi nhớ lại thường cây rau khúc mọc nhiều vào đầu xuân, những ngày sau Tết âm lịch trên các mảnh ruộng gieo mạ xuân khi mưa xuân giăng mắc trên những chiếc lá màu trắng bạc. Mọi người rủ nhau đi thu hái rau về nhà để chuẩn bị làm bánh.
Lưu ý: khi tìm được chỗ có cây thì lại phải tinh ý nhận ra đây là khúc tẻ làm bánh chứ không phải khúc nếp thân to nhiều nước sẽ khiến bánh bị nát mà lại không thơm.
Tiếp theo đó đến công đoạn chọn gạo chọn đỗ cũng phải thật chỉn chu, sao cho hình thành nên một chiếc bánh khúc màu sắc hài hòa, từng lớp từng lớp bánh quyện với nhau, khi đến tay người ăn cảm nhận được rõ mùi thơm của lá khúc, vị dẻo mềm của xôi, ấm sực trên tay khi thời tiết bắt đầu se lạnh.
Dưới đây là 2 địa chỉ bánh khúc được “giới sành ăn” tín nhiệm khi muốn ăn bánh khúc.
– Bánh khúc Quân phố Cầu gỗ.
– Bánh khúc Cô Lan đầu hẻm nhỏ phố Nguyễn Công Trứ.
***Chủ đề khác: Hoài niệm về Mùa Rươi với những món đặc sản cực kì ngon
XÔI KHÚC HAY BÁNH KHÚC? (Bài viết của thành viên Hiệp Dung)
Vừa đánh răng, rửa mặt xong, chưa xuống tới phòng ăn, tôi đã nghe thấy tiếng chị:
– Chị mua gói xôi trắng ngoài này cho chú ăn thử đấy, gói bên trong lá chuối ấy, chấm với muối vừng sẵn trong đó luôn. ( Phải giải thích ngay với các bạn: Trong gia đình tôi, em chị ruột, anh ruột đều được gọi là chú tuốt)
Tôi hơi ngạc nhiên: Mình mới vào trong Nam hơn 10 năm, sao cách ăn ngoài này thay đổi nhanh vậy?
Tôi nhớ dạo ấy, nếu là xôi trắng, không mấy khi được gói bằng lá, muốn mua về, hoặc người mua mang sẵn chiếc bát, hoặc người bán sẽ gói vào một mảnh nilon trắng, bên ngoài được bao bằng tờ giấy báo cắt tư. Đặc biệt là không bao giờ xôi trắng ăn với vừng, thường họ ăn kèm với thịt, giò chả, quả trứng, mấy miếng lạp xường,…Xôi được gói bằng lá chuối, thường sẽ là gói xôi lạc, xôi đậu xanh, đậu đen, xôi xéo, xôi lúa,…
Tôi tò mò, cẩn thận mở gói lá: Đúng là xôi trắng thật, những hạt gạo nếp đều chằn chặn đã được đồ lên thành những hạt xôi trắng phau, hình như được thoa thêm một lớp mỡ mỏng manh, bỗng trở nên mịn màng, tinh khiết, chào mời…
Ồ, có một mùi thơm thật dịu dàng, thân quen mà là lạ, như là một nỗi nhớ, không kìm được cảm xúc, tôi reo lên:
– Ôi, bánh khúc, chị cứ đùa em.
Mặt chị tôi bừng sáng, chị ngồi xuống bên cạnh, âu yếm ngắm thằng em ngày nào còn bé tí, giờ đã ngộc nghệch, lênh khênh, lừng lững đang cẩn thận, lóng ngóng sắn từng thìa có một tí xôi, một chút bánh nhẩn nha cho vào miệng.
– Vẫn còn nhớ cách ăn ngày xưa nhỉ? bây giờ ăn bánh khúc, có người ăn hết lớp xôi bên ngoài xong, mới ăn vào lớp bánh bên trong.
Không vội trả lời chị, tôi tận hưởng vị bùi bùi của lớp bánh được trộn bởi nước cốt lá khúc và đám lá non được giã kĩ ( chắc bây giờ là xay rồi), với bột nếp, bột tẻ theo tỉ lệ 2:1 khi xưa mẹ tôi thỉnh thoảng có làm, vị cay nồng mà ấm áp của hạt tiêu xay dối để đôi khi cắn phải hạt xay dở, ta có được cảm giác cái cay chợt rộn lên, khác lạ – như một sự dỗi hờn trong một lần lỡ hẹn. Thêm một chút béo ngậy của miếng thịt ba chỉ tan vào đám nhân đậu xanh,…rồi hòa vào bản hợp âm ẩm thực đó là hương thơm của gạo nếp, được chọn kĩ từng hạt, đồ lên thành lớp xôi bên ngoài, dẻo đến lạ lùng.
Lại rưng rưng những chuyện ngày xưa…Lá khúc thường mơn mởn vào mùa xuân, nhưng chỉ khi đông đến, những đêm khuya dạo ấy, xưa lắm rồi, tiếng rao ời ợi ” Bánh khúc đơi,…bánh khúc nào” của một người đàn ông, cỡ bốn năm chục tuổi, đạp chiếc xe đạp tồng tộc, hun hút dọc các con phố vắng,…
Lại thương cho phận bánh khúc có những thời kì chẳng còn tí khúc nào, được thay bằng lá bắp cải già, lá su hào, thậm chí cả lá rau muống ( để có được mầu của khúc), vẫn bị gọi là bánh khúc…
– Mà này, có nơi người ta không gọi là bánh khúc đâu, gọi là xôi khúc đấy. Vẫn là tiếng chị tôi văng vẳng trong mênh mang hoài niệm.
Chẳng hiểu sao, tôi bỗng trở nên triết gia…rởm:
– Có bao giờ chị thấy có loại xôi nào mà có nhân bên trong chưa? Em thì em nghĩ thế này: Những ai thích nhìn sự vật từ bên ngoài sẽ gọi là XÔI KHÚC, còn ai thích nghiền ngẫm bản chất bên trong của sự việc thì sẽ gọi là BÁNH KHÚC, chị ạ.
Chùm thơ viết về người bán bánh khúc dạo
TIẾNG RAO ĐÊM – Thơ: Phạm Lê Huân
Hồ phẳng lặng êm đềm xanh xanh biếc,
Bánh còn nhiều mắt liếc bỗng chơi vơi,
Đêm về khuya sương phủ gió lả lơi,
“Ai bánh khúc” tiếng rao vang khắp phố!
Sao lấp lánh chập chờn lời rao cố,
Người lính già làm bố mấy đứa con,
Đêm càng khuya càng mệt sức đâu còn,
“Ơ bánh khúc” tiếng rao nghe nghèn nghẹn!
Tiền trợ cấp, lương hưu đều vẻn vẹn,
Khoản thương binh đúng hẹn đến lấy ngay,
Nhiều miệng ăn vất vả lo tối ngày,
“Đây bánh khúc” tiếng rao nghe tan biến!
Người lính cựu bơ phờ nhưng vẫn tiến,
Tuổi thanh xuân cống hiến ở chiến trường,
Được tri ân trao tặng nhà tình thương,
“Bánh khúc ơ” tiếng rao nghe mực thước!
Bán bánh khúc mưu sinh chân dấn bước,
Trời hửng đông non nước áng phù vân,
Gà gáy vang rộn rã vọng xa gần,
“Bánh khúc đây” tiếng rao nghe láng máng!
Bình minh ló tương lai mong tươi sáng,
Con trưởng thành cáng đáng được mẹ cha,
Nghĩ tới đây nét mặt rạng như hoa,
“Ai bánh khúc” tiếng rao nghe bay bổng!.
MƯA BAY PHỐ CỔ – Thơ: Thu Hằng
Người có buồn khi nhớ tới tôi không…?
Hà Thành lạnh đông về đêm trở gió.
Vẫn còn khuya xa vẳng câu rao nhỏ.
“Ai bánh khúc đơi…” cứa nát lòng tôi.
Bóng ngọn đèn vàng phố cổ vắng người.
Mưa Phùn bay buốt quạnh nơi đường vắng.
Khuất xa rồi…Tất cả trong tĩnh lặng.
Tôi trở về với cảnh cũ đìu hiu.
Con Thạch Sùng già ngỏng cổ buồn thiu.
Chẳng buồn tắc lưỡi nghe vo ve mãi…
Kỷ niệm xưa xin người đừng nhớ lại.
Ký ức nhạt dần đêm phố mùa Đông.
BÁNH KHÚC AI MUA? – Thơ: Ngọc Nam
Đêm dài tịch mịch gió heo heo
Cút kít neo đơn bóng ẽo èo
Lẽo đẽo run run môi ấm lệ
Eo sèo thấp thỏm dáng ngoăn ngoeo
Thương người bán bánh đêm đông giá
Xót kẻ rao khuya gánh ngoặt ngoèo
Héo hắt thân tèo rao lạnh lẽo
Sè sè đêm kéo bóng teo teo!
TIẾNG RAO ĐÊM – Thơ: Đỗ Xuân
Xôi lạc bánh khúc đây
Bánh mì bánh bao nóng
Ngoài trời đêm lạnh cóng
Tiếng rao nghe tái tê
Ai khoai nướng – cà pê
Ai ngô rang đậu phộng
Đất trời như trống rỗng
Tiếng rao lạc vào đêm
Trong chăn ấm nệm êm
Con say sưa ngon giấc
Ngoài kia trời gió bấc
Tiếng mẹ rao chơi vơi…
KẾT
Các bạn vừa xem qua những bài viết chia sẻ về chủ đề Bánh Khúc trên trang kyuc.net từ các thành viên. Hãy cùng chia sẻ những kỷ niệm, cảm nhận của bạn về Bánh Khúc ở phần bình luận bên dưới nhé!.
Những kỷ niệm của tuổi ấu thơ , những kỷ niệm của quê hương , nơi chôn rau cắt rốn thì bao giờ cũng đẹp . Không nhắc đến thì thôi , chứ nhắc tới nó thì ruột gan như có ai sát muối.
Ui! Tôi cũng mê món này lắm .Mỗi lần về HN tội phải ăn bằng được : bún đậu mắm tôm ,bún ốc ,phở ,miến lươn ,và bánh khúc .Nghe nói ở Cầu gỗ có hàng bánh khúc ngon ,tôi cũng đã thưởng thức nhưng nói thật vẫn không bằng ngày xưa .
khi bé ngày nào mẹ cũng mua bánh khúc cho ăn, giờ mẹ đã già yếu, bánh khúc lại không được thơm ngon như xưa nữa.
Thú vị quá bạn ơi.cảm ơn bạn. Chỉ nghe bạn tả và nhìn ảnh là mình đã đổ mồ hôi lưỡi rồi.Hà nội của mình thật nhiều kỉ niệm và đặc sản quý. nhưng mà giờ được ăn chiếc bánh khúc xịn đúng nghĩa cũng khó bạn nhỉ 😀
Sàigòn có xôi “Khúc” nhưng đâu có lá khúc nên…bác bán hàng được khen ngon cho biết : đã dùng lá Dứa (1loại lá nhỏ dài, nấu lên có mùi thơm xôi nếp…thay cho lá Khúc…)
Bác đã dùng dao bào ngang phiến lá…rồi xay nhuyễn vắt nước…tiếp trộn cùng bột nếp làm vỏ bánh…dùng bao nhân đậu xanh, thịt….nên bánh vẫn thơm và có màu xanh ngọc hấp dẫn…
Dùng món bánh đó vào thập niên 80 gia đình tôi mới xa Hanoi cuối đông năm ấy …
Hương vị đó… cũng vơi nhung nhớ tuổi thơ Hanoi…đôi phần
Bây giờ còn rất ít rau khúc kể cả khi mùa xuân là mùa rau khúc ,bánh khúc bây giờ toàn làm bằng lá bắp cải già thì làm sao có vị thơm của rau khúc nữa.
Nếu ai đã từng ăn bánh khúc ngày xưa thì mới biết thực chất của hương vị của nó
Ngày xưa Hà nội có 36 phố phường các quân Đống đa , Cầu giấy , Hoàng mai , Từ liêm v.v..còn nhiều đất nông nghiệp canh tác hai vụ chiêm mùa rõ dàng nên sau thu hoạch vụ mùa trước khi cấy vụ chiêm những cánh đồng chưa cày đổ ải thì cây khúc có môi trường phát triển tự nhiên chứ cũng chẳng ai gieo cấy , với số lượng tiêu thụ mới có bánh khúc chuẩn còn ngay nay rau khúc không biết khai thác ở đâu ? ..chắc chăn bây gời không thể có bánh khúc chuân , cũng như rau húng Láng cũng chẳng bao giợ tìm được , cũng như ĐÀO Nhật tân đât troongf đào cũng đô thị hoá hết ngày tết bây giờ mà tìm được cành đào SONG THỌ BÍCH ĐÀO hơi bị hiếm đấy ..!
Cảm ơn bạn đã có bài viết rất hay về bánh khúc. Bắt đầu vào vụ đông lá khúc có nhiều và non hơn vào mùa xuân khi bắt đầu có mưa phùn. Rau khúc thường là lấy ở các rãnh ngô hoặc khoai. Nhà mình ở quê nên thường vào mùa này các bà rỗi việc đi nhặt lá khúc về bán mình mua về rửa sạch luộc lá sau đó băm nhỏ trộn bột mỳ, bột tẻ, bột nếp cho dẻo làm nhân đậu hay thịt với hành, vỏ là gạo nếp ngâm sau đó vớt ra để ráo làm áo sau đó cho vào chõ đồ chín bỏ ra ăn bánh khúc nóng vừa ăn vừa thổi cứ gọi là ngon tuyệt. Mỗi lần làm lại chia cho mỗi nhà vài cái vui phải biết.
Những cây rau khúc nếp mọc lên mập mạp
Và non tơ nhất là vào mùa xuân. Nhưng bánh khúc thì hình như ăn vào mùa nào cũng ngon, mà bánh khúc hình như chỉ bán vào buổi tối thì phải . Tiếng rao “ khúc nóng đây “ dọc phố đã trở nên quen thuộc với người Hà nội. Nhất là những đêm đông rét mướt mà vừa co ro trong chăn bông , vừa thưởng thức cái dẻo thơm , ngậy béo của bánh khúc nóng mới tuyệt làm sao. Ngày xưa bánh khúc nhất định phải làm từ lá khúc nếp bánh tẻ, luộc lên rồi giã nhuyễn , trộn với bột nếp . Bên trong có nhân đậu xanh đồ chín quết nhuyễn nêm nếm vừa đủ đậm đà cùng miếng thịt lợn có nhiều mỡ , sao cho khi chín bánh phải thơm và ngậy. Đem xếp các viên bánh vào chõ . Cứ một lớp gạo một lớp bánh để lớp xôi dẻo thơm áo kín xung quanh viên bánh . Cộng hưởng thêm với vị béo bùi thơm ngậy thành một hương vị ấm áp tuyệt vời trong những đêm đông lạnh giá của Hà nội . Nghe nói bây giờ do phun thuốc sâu nhiều nên những loại rau dại như rau khúc cũng đã hiếm dần . Người ta lấy rau cải cúc thay thế và lót gói bánh bằng ny lon lót giấy thay cho lá chuối hơ lửa . Vì vậy vị bánh khúc xưa chỉ còn là một ký ức đẹp mà thôi .
HP – 26/5/2018
Thời Pháp thuộc, tiếng rao: “Khúc nóng … ơ .. ơ .. ơ …” đã in sâu trong tâm trí, trở thành nét riêng và rất đặc trưng của đêm Hà Nội.
Bài viết hay. Bánh khúc nóng là món ăn…để chơi. Đúng là tâm sự của phụ nữ. Mà lại là “siêu quà vặt “thì mới ăn vào đêm đông như thế. Đọc mà thấy thèm. Bánh khúc nóng bây giờ bán cả ngày ở phố nguyễn công trứ,quận hbt rồi. Cảm ơn tác giả đã nhắc lại một thú ăn chơi của đêm đông hà nội ngày xưa
Bánh khúc giờ có quanh năm. Nhưng nó chỉ còn là cái tên. Bánh khúc được làm từ lá khúc với đậu xanh, thịt và gạo nếp. Nay vỏ làm bằng các loại lá, đậu xanh được thay bằng khoai tây… không còn hương vị xưa nữa.
Mình nhớ ngày xưa mình mới 10-13 tuổi , những ngày mùa xuân mình với U mình hay đi kiếm lá cây rau khúc ở thửa ruộng màu ,cánh đồng màu của làng mình nhiều lắm mỗi buổi đi là được một rổ to
U mang đi chợ ngã Tư Sở bán ,không được mấy đồng cả , thật khó khăn.
Nhưng những cánh đồng của làng mình bây giờ không còn nữa ,cánh đồng ấy đã là con đường Nguyễn Chí Thanh từ lâu .Thật tiếc.
Hương vị ăn bánh khúc xưa ngon thật rất thơm mùi lá khúc còn bây giờ chỉ có bánh khúc bán ở phố Nguyễn Công Trứ ăn cũng tạm được tuy k thơm sực nức mùi của lá khúc song xôi có dẻo nhân bánh cũng vừa vặn mình ăn bánh khúc cô Tiềm ở đền thờ quan lớn Mơ phủ hàng Cót là ngon và nhớ mãi mãi bây h cô mất rồi song bánh cô làm ai đã được ăn chắc sẽ k quên.
Ngày xưa hồi đi sơ tán về làng Quang, Thanh trì Ha nội, mình đã từng đi hái lá khúc về giã làm bánh khúc. Cách làm cũng đơn giản nhưng vì nguyên liệu nguyên chất, và sạch nên hương vị thơm ngon tinh khiết. Bây giờ người Hà nội cũng hay làm những bánh xưa nhưng khó có thể kiếm được lá khúc để làm bánh khúc như ngày xưa.
Cây rau Khúc bây giờ ko hiếm , bánh Khúc vẫn làm lá Khúc nhưng ko phải là lá tươi mà là là khô … ( người ta thu hoạch 1 lần phơi khô dùng dần … ) hiện nay bánh Khúc Nguyễn công Trứ vẫn nổi tiếng song phần sôi hơi nhiều át cả bánh Khúc các bạn ạ .
Ngày trước khi vào mùa . Người ta tranh thủ thu hái , dùng không hết thì phơi khô dùng cho những mùa không có . Bây giờ ruộng đất bị be tông hoá nên rau không còn chỗ mọc nữa . Họ dùng rau cải cúc và lá bắp cải già đó chị ( là do một cô trước nhà có nghề làm bánh khúc này bật mí với em đó )
XÔI LẠC- BÁNH KHÚC
Ngày xưa mới ra trường, vào cái đận khố rách áo ôm nhất, được một anh hàng rong cứu đói. Cứ mười giờ đêm, đang nằm còng queo trong phòng trọ nghe tiếng rao văng vẳng từ đầu ngõ là lập tức rũ bùn đứng dậy sáng lòa, nhanh như con người yêu cũ có thằng bồ mới.
– Xôi lạc, bánh khúc nào!
Mẹ, sao mà tiếng rao nó nhẹ nhàng, thân thuộc và ấm áp thế không biết (nhẽ sau này công thành, danh toại phải đề cử tiếng rao của anh này vào hạng mục di sản văn hóa phi vật thể của Unesco mới được).
Ngày đó nợ như chúa chổm, ra đường nghe bọn nó gọi tên nhau toàn hoảng hốt tưởng chủ quán nó gọi mình. Ngồi xem tivi chùa ở quán nước mía đầu hồ, giọng cô phát thanh viên mượt như nhung đang ra rả cái gì mà “ai sinh ra cũng mang trong mình những hoài bão lớn lao”, đại khái thể. Nghĩ thầm trong đầu, tao thì tao chỉ có duy nhất một hoài bão thôi, đó là được bữa cơm no, ngoài ra chả có hoài bão với khát vọng đéo gì đáng kể vào lúc này cả!
– Ai xôi lạc, bánh khúc nào!
Bữa đó gặp anh xôi bánh khúc đang cong đít đạp xe trong đêm. Tiếng rao cất lên từ thân hình cân vội cũng được 47- 48 ký cả dép và mũ cối. Mình suy nghĩ 5 giây rồi đưa ra một quyết định phải nói là cực kỳ quan trọng và mang tính bản lề, đó là phải chặn ngay lão này lại.
Xe phanh kít một cái. Cả sự sống phút chốc bỗng chốc thu nhỏ lại chỉ bằng cái nồi xôi lạc, bánh khúc đang nóng ran trước mặt.
– Ông anh có thể cho tôi nợ một ít bánh không?
Giọng mình lúc đó trở nên thâm trầm và đáng tin cậy một cách lạ kỳ. Không nói nhiều, anh mở vung ra, tay phải cầm đôi đũa, tay trái đỡ lấy tấm lá sen, đoạn hỏi.
– Ăn mấy cái đây?
“Ăn mấy cái đây?” Thề là cả cuộc đời còn lại này đéo thể quên được câu nói này. Nó ấm áp gấp 1000 lần cái câu mà hôm bạn gái cũ hỏi trong lần chạy giữa mưa để sang hôn cái rồi về “Anh có lạnh lắm không?”
Lúc yêu đương, mọi câu hỏi ra vẻ quan tâm kiểu thế cơ bản là sến sẩm và bốc phét. Một kiểu bốc phét không ngượng mồm mà đứa nào cũng thích nghe, dù biết tỏng rất đãi bôi. Lạnh hay không thì nhìn cũng biết, còn phải phải văn vở ngôn tình với nhau thì mới chịu được!
– Anh lấy cho tôi 3 cái! À 5 cái đi, để ăn khuya luôn một thể!
Bây giờ thì 5 cái bánh khúc kèm xôi lạc đã nằm gọn trong hai bọc lá. Xôi còn rất nóng, hạt nếp trong và dẻo ôm lấy bánh khúc (gọi là xôi khúc chứ chính ra làm từ lá su hào, cải bắp và rau lang chứ bói đâu ra lá khúc mà làm). Đưa lên mồm cắn một miếng. Trời ơi! Béo ngậy mỡ lợn, bùi bùi nhân đỗ xanh, thơm thơm hành khô, tất cả phối kết hợp lại tạo nên thứ hương vị tạm gọi là mùi no ấm, hehe.
Anh bánh khúc ngồi xuống bên cửa phòng, kéo thông hai bi thuốc lào. Tiếng nõ điếu rin rít vang lên trong đêm khuya nghe vui tai đáo để. Mình đứng giữa đường bốc xôi ăn. Động tác và phong thái rất giống một anh hùng lầm lỡ. Anh bánh khúc đạp xe đi rồi, nước mắt bây giờ mới ứa ra. Chẳng hiểu vì sao nữa. Chỉ biết hôm đó được một bữa no!
Sau này nợ anh đôi trăm, lĩnh nhuận bút rủ đi mần chén, anh lắc đầu, nói bánh còn nhiều, phải đi cái đã. Mấy ngày sau mình chuyển nhà, kể từ đó anh biệt tăm luôn.
Để mãi về sau, mỗi khi trở lại Hà Nội vào những ngày thu, lòng chợt chùng xuống vì nhớ cái dáng còm cõi của cố nhân. Nhớ tiếng rao khê khê, thân thuộc vừa gần, vừa xa của một đáng cứu tinh trong nạn đói năm nao.
– Ai xôi lạc, bánh khúc đây! ( fbSong Ha )
Mùa xuân với những cơn mưa phùn phất phất bay bay mang đến vẻ tươi non xanh của những bụi khúc xanh ven triền đê sông Hồng . . để đêm đêm lạnh nghe tiếng rao : Ai xôi khúc không . . mà khít hà mùi thơm lừng của nếp mới trộn mùi thơm lá khúc vương đậu xanh thịt mỡ . .ôi chào ngon ! Ngon thật nhưng một cái gì đó hiện hơi nghẹn nơi trái tim – xưa xưa rồi mà vì giờ đây cũng . . xôi khúc không . . mà sao miếng ngon kg còn được như trước nữa ,mất mất nhiều quá của một thời để khắc ghi , xin ai ơi đừng để HN mất đi trong mắt ai các bạn đã yêu HN nhé !
Tôi thấy bánh khúc ngày xưa rất ngon. Vỏ bánh thơm mùi rau khúc. Nhân bánh có đậu xanh và mỡ miếng( ít thôi) lại thơm mùi cà cuống. Nay ăn chẳng còn một tí nào hương vị đó. Chỉ còn lại xôi là được thôi. Đi khắp nơi tôi muốn tìm lại rau khúc đó mà ko thấy. Trước đây ở những ruộng màu (ngoại thành Hà Nội) rất nhiều, cây ngắn và nhỏ thôi. Mãi khi lên chợ Bắc Hà ở Lào Cai tôi mới nhìn thấy bà con dân tộc giới thiệu và bán loại rau khúc mà tôi tìm. Mặc dù chợ có rất ít loại rau này. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy ko phải giống khúc ở miền xuôi. Buồn quá ! Đặc sản bánh khúc Hà Nội đâu rồi huhuhu….
Có 2 loại rau khúc : nếp và tẻ . Rau khúc tẻ làm bánh dẻo và thơm , rau nếp làm bánh bị bở .Xưa quê tôi ngày 10/2 âm lịch cả làng làm tết bánh khúc .Giờ không biết còn không …, hình như ảnh trên là rau khúc nếp , chứ lá khúc tẻ búp nhỏ hơn .
Đúng vậy mỗi khi về đến HN là tôi lại ra phố Hàng Bè để mua bánh khúc cũng giống ngày xưa một chút, vừa rồi nhớ mùi bánh khúc tôi mua cây khúc khô về làm nhưng cũng ko được giống lắm.
Tháng giêng tháng hai là mùa của rau bánh khúc mọc. Nếu chuyên tâm mọi người còn có thể tìm được rau mọc ở các dẻo đất ven sông Hồng: Tứ Liên , Quảng An, Nhật Tân… hái rau về tự làm rồi thưởng thức, chứ còn ăn bánh khúc ở chợ bây giờ thì không thể biết được là Khúc gì…
Nhớ ngày còn bé, đi ra sông hồng, sang bãi giữa nhặt cây khúc về. Khi đi bà ngoại dặn: Dùng kéo nhỏ ( kéo cắt thủ công ngày trước) cắt cách đất 3 cm – hoặc bỏ lại 4 mắt để khúc mọc lại, người khác lại có dịp thu hoạch.được 1 túi kha khá mang về bà ngoại giã nhỏ, rồi trộn cả với gsoj nếp, cho đậu vào, còn thịt thì lấy miếng bì hầm từ tối trước cho mềm, cho vào thay thịt.
Tại sao thế: ngày ấy tuy chưa bị khó vì Mỹ chưa bắn phá miền bắc,nhwnh đã phân phối hàng hóa theo tem phiếu.
50 năm sau ngẫm lsij thays tính nhân văn của lớp người xưa: ăn phần mình, còn lo chừa lại cho người sau có thể có cơ hội như mình. Đấy là do dạy dỗ của cha ông, nền nếp và vị tha. Nhìn lại lớp trẻ báy giờ khi vào ăn ” bufe” thays khác hẳn, nam thanh nữ tú lấy một bàn thật đầy, ăn không hết để đầy đĩa.
Mỗi ngày một xa sự thiện lương của con người.
Dfos là do cả xã hội chụp giật, cán bộ to lo thu vén cho mình ngàn tỷ, trăm tỷ.
Lo mua chỗ ngồi thì đâu cần lương thiện???!!!!