Khác với phiên chợ tình Sapa, được tổ chức hàng tuần – là nơi gặp gỡ, hò hẹn của các đôi lứa yêu nhau. Phiên chợ tình Khâu Vai lại là phiên chợ tình mỗi năm chỉ có một lần và chỉ dành cho những mối tình cũ, hoặc tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lại lỡ duyên nhau.
Câu hát xưa cho thấy sự chờ đợi của các cô gái đến phiên chợ tình Khâu Vai hàng năm để được gặp người yêu cũ của mình. Nó cũng như sự thôi thúc, lời mời gọi của các đôi trai gái đến với phiên chợ tình đầy quyến rũ này. Cứ đến ngày 27/3 hàng năm, những chàng trai cô gái dân tộc của vùng cao nguyên đá lại vượt núi, băng rừng về hò hẹn tại nơi đây.
Bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn đầy tính nhân văn, chợ tình Khâu Vai hôm nay dù đã ít nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng. Trong cái nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi hàng hoá, ta vẫn bắt gặp đâu đó ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hoà trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xưa.
Theo truyền thuyết kể lại thì chợ tình Khâu Vai có từ cách đây hơn trăm năm, được bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái. Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khâu Vài chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khâu Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng… Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuận giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày này (tức là ngày 27 tháng 3 âm lịch). Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gái lại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi- nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau.
Theo tiếng địa phương thì Khâu Vai có nghĩa là song mây ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều song mây song cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất nới đây. Khâu Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống đoàn kết bên nhau. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ. Chợ tình Khâu Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên. Vì thế chợ tình Khâu Vai đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ đây.
Từ năm 1992 trở lại đây, chợ Khâu Vai đã họp thành phiên 5 ngày một lần. Chợ phiên Khâu Vai cũng có mua, có bán những sản vật, hàng hóa. Nhưng mỗi năm, chỉ một lần vào ngày 27-3 âm lịch, chợ tình Khâu Vai vẫn là điểm hẹn của những người muốn tìm về quá khứ với bao hoài niệm. Khâu Vai đã chứng kiến bao nỗi buồn vui của những cuộc hội ngộ sau những tháng năm dài xa cách, biệt ly. Khâu Vai cũng xoa dịu nỗi đau cho bao số phận bởi những ngang trái nhân duyên và tìm lại niềm vui sau bao vất vả thường nhật. Chợ tình Khau Vai vẫn là điểm hẹn thiêng liêng cho bao lứa đôi tình duyên trắc trở, là hiện thân của biết bao câu chuyện tình đã đi vào huyền thoại.
Trong những năm vừa qua, cùng với nỗ lực phát triển du lịch của địa phương, Hà Giang đã có nhiều tác động tích cực nhằm giới thiệu chợ tình Khâu Vai đến với bạn bè trong và ngoài nước như một nét văn hoá đặc sắc của vùng đất này. Nhờ những nỗ lực đó, chợ tình Khâu Vai ngày càng được nhiều người biết đến. Người ta nhắc đến Hà Giang trong những ngày này không thể không nhắc đến chợ tình Khâu Vai. Và với những giá trị tự thân của nó, chợ tình Khâu Vai cũng đã trở thành điểm đến mỗi năm của nhiều du khách trong những ngày đầu xuân.
Phan Hồng Nhung
Các bạn vừa xem bài viết Độc Đáo Phiên Chợ Tình Hà Giang của tác giả Phan Hồng Nhung. Mời các bạn xem lại loạt Thơ chợ tình Khau Vai từ nhiều thi hữu để cảm nhận nhiều hơn về phiên chợ tình này nhé!.
Lại được biết thêm chợ tình nữa cảm ơn bạn
CHỢ TÌNH KHAU VAI
Tác giả: Lệ Thủy
Em chưa một lần đến chợ Khau Vai
Sao văng vẳng tiếng khèn ai trong gió
Nghe tí tách giọt tình trên lối cỏ
Dậy men yêu ngây ngất suốt đêm dài
Chưa một lần đến chợ tình Khau Vai
Sao ánh măt cứ vương hoài thổn thức
Bàn tay ấm nắm bàn tay rạo rực
Chảy trong nhau men khát cặp môi mềm
Tiếng khèn chìm trong hơi thở rừng đêm
Sương se lạnh ướt nhòe câu gọi bạn
Nghe vọng lại chuyện Chàng Ba, nàng Út
Bỗng say mềm trong cơn khát Khau Vai!
26/7/2019
CHUYỆN TÌNH ĐÊM KHAU VAI
Noong ới!
Gió ghen đuổi lá lìa cành
Mây đen nó phủ trăng thanh Nọong à
Đêm này về điểm hẹn xa
Chài qua dốc dựng… Nọong à.. tới nhanh
Chài ới !
Ông Tơ bà Nguyệt chẳng thành
Vắng đôi cánh nhạn trời xanh u buồn.
Trách trời làm đổ mưa tuôn
Hố tim đầy ắp giếng buồn tình côi.
Ớ là ! Nọong ới!
Tình ta đắng nghẹn đoạn rồi
Yêu không lấy được…than ôi tim nhàu
Đá gồ khắc ghép tên nhau
Trời se lỗi nhịp núi sầu suối than
Chài ới!
Trăng kia còn đậu non ngàn
Nọong mong mòn mỏi nát tan tim này
Lòng buồn mưa bão có hay
Gồ ghề vách dựng đọa đày tình côi
Nọong ơi!
Khau Vai Chài Nọong tím đồi
Mỗi năm chỉ một đêm thôi thỏa lòng
Kia rồi! Trăng trộm nhìn song
Gặp sao chẳng thỏa để lòng chơi vơi…
Ới là ! Ới là ơi!
10/05/2019 Ngọc Thông